Cho thôi chức, từ chức là nét mới của Trung ương khóa XIII

(PLO)- Trung ương đã cho thôi chức, nghỉ công tác, bố trí công tác khác với 15 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Đây là nét mới trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng khóa XIII.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 16-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã họp phiên giữa năm, cũng là phiên họp thứ 24 kể từ khi Ban Chỉ đạo được thành lập theo mô hình trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư trực tiếp là Trưởng ban.

Phiên họp này tập trung thảo luận, cho ý kiến về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo sáu tháng đầu năm, nhìn lại công tác PCTNTC từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay và xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm và thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN

Chiều nay, thông báo về kết quả phiên họp, Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, cho biết dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã đánh giá tổng quát là sáu tháng qua và từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, hoạt động của Ban Chỉ đạo đã tiếp tục được đổi mới cả nội dung và phương thức, ngày càng nền nếp, bài bản, càng làm càng có nhiều kinh nghiệm, hiệu quả, uy tín ngày càng cao…

Trong đó, hoàn thiện thể chế PCTNTC được đánh giá là điểm nhấn đầu tiên. Hơn nửa đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã tổ chức ba hội nghị toàn quốc về công tác nội chính và PCTNTC; ban hành trên 100 văn bản tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và PCTNTC – tăng gấp đôi so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII.

Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ đã thông qua, ban hành nhiều luật, nghị định, thông tư… nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối chung của Đảng, góp phần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế phòng ngừa.

Kết quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán cũng như điều tra, truy tố, xét xử cho thấy công cuộc PCTNTC - nằm trong chủ trương chung của Đại hội XIII là đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng - được đẩy mạnh.

Từ sau Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, 23 sĩ quan cấp tướng. Con số này tăng gần 2 lần so với cùng kỳ khóa trước.

Phần kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính cũng lên tới 340.000 tỉ đồng, cũng tăng hơn 2 lần nửa đầu nhiệm kỳ trước.

Từ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII đã chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra. Đây là con số rất lớn, gần gấp đôi cả nhiệm kỳ Đại hội XII.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh điểm mới của nhiệm kỳ này là đã kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách.

Đáng chú ý, ở nhiệm kỳ Đại hội XIII này, các cơ chế khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức, cơ chế miễn nhiệm, thay thế cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút đã được vận hành mạnh mẽ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Kết luận của Bộ Chính trị theo Thông báo 20 do Thường trực Ban Bí thư ký ngày 8-9-2022 đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như thực tiễn. Từ đó đến nay, Trung ương đã xem xét cho thôi chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác với 15 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Các địa phương cũng xử lý tương tự với 150 trường hợp, trong đó có 65 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý.

Các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng. Con số này là tăng hơn 2 lần về số vụ án, hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng...

Công tác PCTNTC ở địa phương bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trong sáu tháng đầu năm, cấp địa phương đã khởi tố 419 vụ án/1.324 bị can về tội tham nhũng (tăng 252 vụ án/989 bị can so với cùng kỳ năm 2022).

Nhiều địa phương với thẩm quyền tố tụng của mình đã khởi tố cả cán bộ nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện.

Đáng chú ý, PCTNTC trong chính các cơ quan chức năng PCTNTC (là một mục được thống kê riêng), trong sáu tháng đầu năm nay, cả nước đã phát hiện, xử lý trên 120 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan này có sai phạm do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 60 trường hợp.

Tính chung từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý kỷ luật hơn 590 cán bộ trong các cơ quan chức năng PCTNTC, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự.

6 nhiệm vụ thời gian tới

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC yêu cầu trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung một số nhiệm vụ.

1. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế PCTNTC. Trong đó chú ý cơ chế bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực; khẩn trương ban hành Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2030.

2. Tăng cường phối hợp, chủ động xử lý các vướng mắc trong giám định, định giá, cung cấp tài liệu; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc TNTC nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

3. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; khẩn trương hoàn thành thanh tra, giám sát các chuyên đề theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị.

Tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

4. Triển khai kiểm tra chuyên đề về công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước; hoàn thành các Đề án theo Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo.

5. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

6. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh; kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm