Châu Á đang trải qua nhiều tuần “nắng nóng kỷ lục bất tận”. Nhiệt độ tăng cao khiến nhiều trường học phải đóng cửa và nhu cầu sử dụng năng lượng tăng vọt, theo tờ The Guardian.
Nhiệt độ kỷ lục trong tháng 4 đã được ghi nhận tại các trạm giám sát ở Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam, Trung Quốc và Nam Á. Vào ngày 26-4, nhiệt độ đo được ở TP Bago (Myanmar) đạt 42,2 độ C. Đây được xem là nhiệt độ cao kỷ lục từng được ghi nhận ở khu vực này.
Một người bán đồ ăn đường phố ở Bangkok, Thái Lan trong những ngày nắng nóng. Ảnh: AFP |
Tại Thái Lan, vào cuối tuần trước, chính quyền khuyến cáo người dân ở Bangkok và các khu vực khác nên ở nhà để tránh bị bệnh. Nhiệt độ ở thủ đô Bangkok lên tới 42 độ C vào ngày 22-4. Nhà chức trách Thái Lan tin rằng mùa nắng nóng hiện lên đến đỉnh điểm.
Thời tiết nắng nóng đã đẩy mức tiêu thụ điện lên cao kỷ lục ở Thái Lan. Theo đó, nước này tiêu thụ hơn 39.000 megawatt trong ngày 6-4, cao hơn kỷ lục trước đó là 32.000 megawatt, được ghi nhận vào tháng 4-2022.
Tại Philippines, hàng trăm trường học đã chuyển sang hình thức học từ xa để học sinh không bị bệnh do nắng nóng. Nhiều giáo viên ở nước này đã yêu cầu rút ngắn thời gian giảng dạy và giảm quy mô lớp học để tránh tác động của nắng nóng.
“Những người nghèo nhất trong số những người nghèo sẽ phải chịu đựng hậu quả của nắng nóng nhiều nhất” - tiến sĩ Fahad Saeed, người đứng đầu khu vực Nam Á và Trung Đông của Viện Phân tích Khí hậu, nói. Ông cũng cho biết nắng nóng không phải là điều xa lạ với khu vực Trung Đông và Nam Á nhưng nhiệt độ đang tăng vượt quá khả năng thích ứng của con người.
Nhiệt độ ở thủ đô Dhaka, Bangladesh tăng trên 40 độ C vào đầu tháng 4. Đây là mức nhiệt nóng nhất trong 58 năm qua và đã khiến mặt đường tan chảy.