Nhiều nước báo động tình trạng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm

(PLO)- Sinh viên tốt nghiệp ở nhiều nước đang phát triển đối mặt tình trạng không tìm được việc làm đúng chuyên ngành do thiếu các kỹ năng và kiến thức cần thiết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Trong hai thập niên qua, một cuộc cách mạng giáo dục đã lan rộng khắp các vùng rộng lớn của các nước đang phát triển. Hàng ngàn trường đại học (ĐH) mọc lên khắp các TP và thị trấn nhỏ. Nông dân, công nhân đóng nhiều tiền để cho con cái họ – những người nuôi dưỡng ước mơ trở thành luật sư, kỹ sư và nhà ngoại giao – có cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH.

Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như mong đợi. Làn sóng sinh viên tốt nghiệp đang tràn ngập các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong khi nhu cầu nhân lực có giới hạn. Theo tờ The Wall Street Journal, hàng loạt những sinh viên tốt nghiệp có bằng cấp đang thất nghiệp và cảm thấy chán nản. Về lâu dài, điều này có thể kìm hãm sự phát triển của những người trẻ này.

Báo động tình trạng sinh viên tốt nghiệp ĐH không tìm được việc làm mong muốn
Sinh viên tại khuôn viên một trường ĐH ở Argentina. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Thiếu kỹ năng cần thiết

Theo The Wall Street Journal, trong thời đại ngày nay, việc mở rộng giáo dục ĐH được nhiều quốc gia xem là con đường chắc chắn đưa đến sự thịnh vượng. Các chuyên gia cũng cảnh báo các nước rằng nếu họ không tăng cường đội ngũ thanh niên có trình độ học vấn cao, họ sẽ bị bỏ lại phía sau.

Các bậc phụ huynh cũng quyết tâm cho con em mình theo học ĐH. Những năm 2000, nhiều công việc tốt, có mức lương cao như tại các cơ quan chính phủ, giảng dạy ở nhiều nước đang phát triển đều đòi hỏi sinh viên có trình độ ĐH.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người trẻ theo học ĐH, chính phủ nhiều nước đã cho phép thành lập nhiều trường ĐH thuộc tổ chức tư nhân. Để tăng hiệu quả doanh thu, nhiều trường trong số này đã quyết định hạ thấp tiêu chuẩn tuyển sinh và tăng tỉ lệ tuyển sinh.

Theo báo cáo năm 2022 của công ty tư vấn Higher Education Strategy Associates (Canada), từ năm 2006 đến năm 2018, số lượng sinh viên ở các nước đang phát triển theo học ĐH đã tăng gần gấp đôi, từ 79 triệu người lên 150 triệu người. Đến năm 2018, khoảng ba phần tư số sinh viên theo học ĐH sống ở các nền kinh tế mới nổi.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế Liên Hợp Quốc (ILO) hồi tháng 8, tỉ lệ thất nghiệp của những người trẻ có trình độ giáo dục ĐH ở các nước đang phát triển cao gấp 2 đến 3 lần so với các nước phát triển. Ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp tại Nam Á, Đông Nam Á, Bắc Phi và Trung Đông, hơn một phần năm số người dưới 30 tuổi có trình độ sau trung học đang thất nghiệp.

Ở những quốc gia này, những người trẻ đã tốt nghiệp ĐH có nhiều khả năng thất nghiệp hơn những người có trình độ học vấn cơ bản. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục ĐH, tình hình này có thể càng trầm trọng hơn khi nhiều trường ĐH mới mở có chất lượng kém. Theo đó, những sinh viên từ các trường này thường không có các kỹ năng mà các công ty tìm kiếm.

cb477d47c4caa1b2b60d79e210d4738e0311e522.png
Bên trong một trường ĐH ở thủ đô Buenos Aires (Argentina). Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

"Kỳ vọng [của người trẻ có bằng ĐH] về việc có công việc văn phòng đã tăng lên, nhưng theo cách không tương xứng với kỹ năng của họ" – ông Karthik Muralidharan, giáo sư kinh tế tại ĐH California San Diego, cho biết.

"Bây giờ mình phải làm gì đây?"

Nhiều người trẻ tốt nghiệp ĐH nhưng không có việc làm đã quyết định di cư ra nước ngoài, đôi khi là theo con đường bất hợp pháp. Theo phân tích dữ liệu điều tra dân số của nhà nhân khẩu học Jeff Passel, vào năm 2022, 36% những người nhập cư vào Mỹ là bất hợp pháp và ở độ tuổi từ 25 đến 64, có bằng từ cử nhân trở lên. Con số này tăng mạnh so với 17% vào năm 2007.

Những sinh viên tốt nghiệp ĐH không tìm được việc làm thường không muốn kết hôn hoặc sinh con. Điều này là một phần nguyên nhân dẫn đến suy giảm dân số, vốn đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu. Bên cạnh đó, sau những lần thất nghiệp, nhiều người trẻ tốt nghiệp đại học đã chọn những công việc lương thấp trong lĩnh vực bán lẻ hoặc làm tài xế taxi.

Một trong những quốc gia bị tình trạng trên ảnh hưởng nhiều nhất là Ấn Độ. Tại đây, giáo dục ĐH trong 20 năm qua đã phát triển mạnh mẽ, làm tăng gấp 3 lần tỉ lệ những người trẻ tuổi có bằng đại học hoặc các bằng cấp tương đương. Một số trong số họ là kỹ sư và kỹ thuật viên có tay nghề cao đang làm việc tại các trung tâm công nghệ phía nam Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều người khác đang phải chật vật tìm việc làm.

Theo một nghiên cứu vào tháng 3 của Tổ chức Lao động Quốc tế, năm 2022, 29% sinh viên tốt nghiệp dưới 30 tuổi tại Ấn Độ thất nghiệp, cao gấp khoảng 9 lần tỉ lệ thất nghiệp của những người Ấn Độ không có trình độ tiểu học.

Trường hợp của anh Manikanta M là một ví dụ.

Một năm trước, anh Manikanta M lấy bằng cử nhân công nghệ từ một trường ĐH ở Bengaluru, Ấn Độ và đứng trước cơ hội trở thành kỹ sư điện tử. Trong năm qua, anh đã gửi hàng chục đơn xin việc, đã được phỏng vấn nhưng vẫn không tìm được công việc phù hợp. Cuối cùng, anh làm điều phối viên vận chuyển tại một công ty công nghệ với mức lương khoảng 350 USD/tháng.

“Gia đình tôi đã phải dành dụm để tôi trở thành một kỹ sư. Không có một công việc tốt là điều tồi tệ nhất đối với một gia đình trung lưu” – anh Manikanta nói.

Cô Azjargal Demberel (37 tuổi) là một trường hợp khác. Cô Demberel lớn lên trong một gia đình chăn gia súc ở Mông Cổ. Sau khi theo học tại một trường ĐH địa phương, cô lấy được bằng báo chí. Hai người em của cô đã tốt nghiệp ĐH với bằng y khoa và luật.

Tuy nhiên, giờ đây, không ai trong số họ làm đúng với chuyên ngành họ học. Cô Demberel từng làm báo rồi lại nghỉ và hiện bán các sản phẩm gia dụng. Trong khi đó, 2 em của cô đã chuyển đến Hàn Quốc để tìm cơ hội học lên thêm.

NDBCF7W6NVK27CGBAHBIRJXS7M.jpg
Người lao động bên trong một nhà máy ở Ấn Độ. Ảnh: REUTERS

Ở khu vực Mỹ Latinh, so với năm 2019, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên đã giảm 4,5 điểm phần trăm xuống còn 13,4% vào năm 2023. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tại đây vẫn khó tìm được việc làm.

Cô Camila Ortiz Caram theo học thiết kế công nghiệp tại ĐH Buenos Aires ở Argentina và tốt nghiệp năm 2023 sau 6 năm học. Tuy nhiên, cô hiện làm tại một cửa hàng nước hoa và nhận việc giảng viên trợ giảng không lương tại một trường ĐH.

“Sau khi học xong, tôi tự hỏi: ‘Bây giờ mình phải làm gì đây?’” – cô nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm