Nhiều nước ngừng xuất khẩu gạo: Thời cơ hiếm có cho hạt gạo Việt

(PLO)- Trong bối cảnh nhiều nước dừng xuất khẩu gạo, các chuyên gia nhận định đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau Ấn Độ, UAE cũng vừa thông báo dừng xuất khẩu gạo. Nga cũng chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây sụt giảm sản lượng lúa gạo toàn cầu, thị trường lúa gạo đang nóng lên không ngừng. Nhiều ý kiến nhận định đây là cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam (VN).

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Anh hùng Lao động, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về ngành nông nghiệp VN và thế giới, khẳng định đây là thời cơ cho xuất khẩu gạo của VN.

Không nên bỏ lỡ như năm 2008

. Phóng viên:Bộ NN&PTNT đang đề xuất Thủ tướng tăng cường xuất khẩu gạo để tranh thủ thời cơ giá gạo cao, điều này là tốt cho nông dân. Thế nhưng từ góc độ an ninh lương thực, dự báo từ tháng 10 năm nay bắt đầu chịu tác động của El Nino. Ý kiến của ông như thế nào?

+ GS Võ Tòng Xuân: Trong lĩnh vực trồng trọt còn phụ thuộc rất nhiều vào cách bố trí mùa vụ, quy hoạch vùng sản xuất, giống lúa… Hiện nay, vùng sản xuất lúa để dành làm an ninh lương thực ở ĐBSCL nằm dọc theo biên giới Campuchia như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.

GS Võ Tòng Xuân. Ảnh CTV

GS Võ Tòng Xuân. Ảnh CTV

Vùng này không bao giờ thiếu nước ngọt, cũng không bị xâm nhập mặn nên rất yên tâm trồng ba vụ lúa. Ngoài ra, đối với vùng ven biển ở ĐBSCL, vào mùa mưa, người dân cũng trồng được vụ lúa chất lượng cao, năng suất cao…

Xuất khẩu gạo của Việt Nam được các chuyên gia đánh giá đang đứng trước thời cơ rất tốt. Ảnh: Q.HUY

Xuất khẩu gạo của Việt Nam được các chuyên gia đánh giá đang đứng trước thời cơ rất tốt. Ảnh: Q.HUY

Tóm lại, đặc điểm trồng lúa của bà con ở ĐBSCL rất đặc biệt, các nước khác không có. Ở các nước, giống lúa của họ dài ngày, phải bốn tháng mới được thu hoạch nên chỉ trồng được hai vụ lúa. Còn ở VN, nhờ kỹ thuật bố trí cơ cấu mùa vụ, quy hoạch vùng trồng một vụ, hai vụ, ba vụ, giống lúa có nhiều loại ngắn ngày, chỉ khoảng 90-100 ngày là thu hoạch được nên chúng ta có thể trồng được ba vụ, năng suất cao.

Mấy năm nay chúng ta đưa thêm gen ngon cơm vào cây lúa, chất lượng càng tốt hơn nên hoàn toàn yên tâm. Trong khi đó, ở nhiều nước, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán cũng có những diễn biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo.

Thuận lợi nhiều hơn khó khăn

Việc Ấn Độ cùng một số thị trường ngừng xuất khẩu gạo đồng nghĩa với việc nguồn cung gạo ra thị trường bị hạn chế. Điều này sẽ khiến giá gạo thế giới bị đẩy lên. Khách hàng quốc tế sẽ chuyển hướng sang lựa chọn các nguồn cung gạo khác, trong đó có VN.

Đây là cơ hội cho xuất khẩu gạo của VN. Là cơ hội hiếm có, thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Cùng một lượng gạo xuất khẩu như vậy nhưng giá trị chúng ta thu về sẽ cao hơn nhiều so với trước đó.

Ông TRƯƠNG SỸ BÁ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long

Xuất khẩu gạo là câu chuyện đường dài

Hiện đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu gạo lớn của VN là Thái Lan. Họ còn khoảng 4-5 triệu tấn gạo trong khi VN còn khoảng 2-2,5 triệu tấn gạo. Do đó, DN VN cần xác định được thời điểm nào thích hợp nhất để xuất gạo ra. Vấn đề này đòi hỏi công tác dự báo thị trường cần phải tính toán kỹ.

Nắm cơ hội thị trường là cần thiết nhưng DN cần đồng thời phải đảm bảo cho cơ hội của các đơn hàng cuối năm 2023, đầu năm 2024 và cả những năm tiếp theo.

Có những bài học từ các năm trước, đó là khi DN đã ký hợp đồng từ trước nhưng không mua được gạo. Hoặc DN thấy hợp đồng mới với giá gạo cao hơn và bẻ kèo, bội tín. Xuất khẩu gạo là câu chuyện đường dài, cần giữ uy tín, đặc biệt là tại các thị trường truyền thống lớn như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia…

Chuyên gia nông nghiệp
HOÀNG TRỌNG THỦY

Với bối cảnh như trên, tôi thấy rằng đây là thời cơ hiếm có cho hạt gạo VN nâng lên giá trị cao hơn. Chúng ta không nên bỏ lỡ như năm 2008.

. Ông vừa nhắc đến thời cơ năm 2008, ông có thể chia sẻ rõ hơn về câu chuyện xuất khẩu gạo trong thời gian này?

+ Chúng ta có kinh nghiệm rất đau thương về xuất khẩu gạo năm 2008. Cũng cơ hội như thế nhưng chúng ta đã bỏ lỡ, chỉ có Thái Lan một mình một chợ.

Năm 2008 cả thế giới đều bị khủng hoảng về lương thực. Lúa mì, lúa gạo đều bị thất mùa. Khi đó, các nước nhập khẩu gạo lo bấn lên. Philippines là khách hàng nhập khẩu gạo lâu năm của ta, diện tích lúa của họ cũng bị thiệt hại rất nặng. Khi đó, giá gạo đang 350 USD/tấn, chính phủ Philippines bằng lòng mua với giá 800 USD/tấn.

Thế nhưng, khi đó chúng ta tưởng rằng giá gạo sẽ tiếp tục tăng cao hơn, rồi lo sợ thiếu gạo nên cấm xuất khẩu gạo, đánh mất cơ hội. Còn Thái Lan, họ tận dụng cơ hội bán gạo giá cao với 800-900 USD/tấn.

Cần tận dụng cơ hội rất tốt này

. Ông dự báo thế nào về giá lúa gạo thời gian tới?

+ Với bối cảnh như hiện tại thì giá gạo của VN có thể leo lên 700 USD/tấn, thậm chí 1.000 USD/tấn. Tôi đang theo dõi thấy Ấn Độ, Thái Lan và một số nước, nông dân bị thiệt hại rất nhiều.

Với VN, cách bố trí thời vụ, quy hoạch vùng trồng rất tốt, giống lúa của ta cũng rất tốt, ngắn ngày, năng suất cao, ngon cơm. Với ba yếu tố này, chúng ta không quá lo ngại về ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai.

. Vậy theo ông, chúng ta nên tận dụng cơ hội này như thế nào?

+ Hiện nay, VN đang đứng trước một cơ hội rất tốt để gạo VN vươn xa hơn, giá cao hơn. Nắm lấy cơ hội này, các doanh nghiệp (DN) không chỉ bán gạo, mà cần tận dụng cơ hội thuyết phục, ký hợp đồng dài hạn để những năm tới tiếp tục cung cấp gạo cho họ. Cùng đó, nông dân phải ngồi lại, kết hợp với nhau thành các hợp tác xã để hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nguyên liệu một cách đồng nhất, có thể truy xuất nguồn gốc để cung cấp gạo cho DN.

Chúng ta chỉ cần có 100-200 DN, mấy ngàn hợp tác xã như vậy thì nông dân sẽ không còn làm theo cảm tính, hùa theo đám đông. Chúng ta làm theo quy trình chặt chẽ, theo hợp đồng với DN, như vậy nông dân mới có thu nhập ổn định cao hơn.

. Xin cảm ơn ông.

Bộ NN&PTNT đề xuất tăng cường xuất khẩu gạo

Ngày 20-7, Ấn Độ bắt đầu thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo. Từ đó đến nay, mỗi ngày gạo VN và Thái Lan tăng một giá. Ngày 20-7, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN là 533 USD/tấn; gạo 25% tấm là 513 USD/tấn.

12 ngày sau, ngày 1-8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN đã vọt lên 588 USD/tấn, gạo 25% tấm cũng tăng lên mức 568 USD/tấn. Cùng với VN, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng vượt 620 USD/tấn.

Không chỉ các DN, chuyên gia, Bộ NN&PTNT cũng nhận định đây là thời cơ cho xuất khẩu gạo của VN. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Ấn Độ, Nga, UAE đã cấm xuất khẩu gạo. Đây là thời cơ cho gạo VN”.

Phân tích cụ thể hơn về cơ sở của thời cơ này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết theo kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2023, cả nước gieo cấy 7,1 triệu ha với sản lượng 43 triệu tấn thóc.

Hiện tình hình sinh trưởng của cây lúa vẫn đang rất tốt, nếu không có gì bất thường thì năm nay sẽ được mùa kỷ lục, có thể là 43,2 triệu tấn hoặc 43,4 triệu tấn.

Cục Trồng trọt nhận định sau khi cân đối lượng gạo tiêu thụ cho thị trường trong nước, số gạo còn lại, dù có đẩy lượng xuất khẩu lên 7,5-8 triệu tấn cũng không vấn đề gì.

Chưa kể, Bộ NN&PTNT đã quyết định nâng diện tích vụ thu đông ở ĐBSCL thêm 50.000 ha lên 700.000 ha. Thời điểm cuối năm, tết Nguyên đán, chúng ta vẫn có thêm 1,2 triệu tấn thóc của vụ đông xuân 2024. Do vậy, chúng ta hoàn toàn yên tâm về an ninh lương thực để chớp thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu.

Sau khi phân tích kỹ càng các yếu tố, để chớp thời cơ, Bộ NN&PTNT đã quyết định đề xuất Chính phủ ban hành chỉ thị tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Trong chỉ thị này phân công những nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực VN để tăng cường xuất khẩu gạo.

Việt Nam đã cải tiến nhiều về chất lượng gạo để xuất khẩu. Ảnh: A.HIỀN

Việt Nam đã cải tiến nhiều về chất lượng gạo để xuất khẩu. Ảnh: A.HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm