Trong đó có nhiều quy định rất cụ thể về điều kiện sử dụng, lắp đặt, bảo trì… hệ thống thang máy trong các gia đình.
Cụ thể như quy định về diện tích hữu ích sàn cabin thang máy gia đình không lớn hơn 1,6 m2 và kích thước các cạnh của sàn cabin không nhỏ hơn 0,6 m; tải trọng định mức không nhỏ hơn 200 kg/m2 sàn cabin và chịu được tối thiểu 115 kg.
Quy định cũng nêu rõ đối với thang máy gia đình hành trình nâng của cabin không lớn hơn 15 m, chiều cao trong lòng cabin không nhỏ hơn 2 m. Lối vào thang tại mỗi tầng phải được bảo vệ bởi cửa tầng, tuyệt đối không được phép dùng tấm che để che chắn còn cửa cabin buồng thang không được mở ra bên ngoài sàn tầng.
Theo quy chuẩn, thang máy phải có hai hệ thống cứu hộ bằng tay và bằng điện để có thể sử dụng linh hoạt trong quá trình cứu hộ khi thang gặp sự cố.
Trong quá trình sử dụng, thang máy phải được theo dõi, quản lý, kiểm tra bởi người đã được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động về sử dụng thang máy, trong đó có nội dung về công tác cứu hộ. Trường hợp không bố trí được người theo dõi, quản lý thang máy thì phải thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện việc theo dõi, quản lý này và chỉ có những người có trách nhiệm mới được phép tiếp cận máy dẫn động. Mỗi thang máy phải có sổ theo dõi việc hiệu chỉnh, bảo dưỡng, bảo trì và sửa chữa thang máy, đây là điều mà hiện nay nhiều gia đình đã bỏ qua.
Tất cả bộ phận hợp thành của thang máy phải có chứng nhận về chất lượng và nơi sản xuất; thang máy khi xuất xưởng phải ghi rõ mã hiệu, tải trọng (số người) cho phép tại bảng điều khiển trong cabin. Thông tư trên có hiệu lực từ ngày 1-3-2019.