Quản lý, kiểm soát chặt vẫn sai
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sơ lược những con số từ quyết toán thu ngân sách. Trong đó, ông nhấn mạnh tới việc vượt thu 9,2% so với dự toán. Thu nội địa từ sản xuất, kinh doanh, thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu vẫn là những khoản chủ yếu, dù thu từ dầu thô giảm tới 14.314 tỉ đồng so với dự toán do giảm theo giá dầu thế giới.
Thực chi vẫn nhiều hơn thu. Cụ thể, thu ngân sách chỉ đạt 1.107.381 tỉ đồng thì chi ngân sách là 1.295.061 tỉ đồng, tăng 1,7% so với dự toán.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị quyết toán số bội chi là 248.728 tỉ đồng. Con số này tuy có giảm 5.505 tỉ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định nhưng vẫn chiếm 5,52% GDP thực hiện.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu chi NSNN năm 2016 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 1.407.572 tỉ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 1.574.448 tỉ đồng; bội chi NSNN là 248.728 tỉ đồng, bằng 5,52% GDP.
Kiến nghị xử lý 10.125 tỉ đồng
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc khi trình bày báo cáo kiểm toán NSNN 2016 cho rằng mặc dù thu vượt dự toán nhưng tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất và lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Một số bộ, ngành, địa phương lập, giao dự toán thu chưa đúng quy định; dự kiến chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn; chưa đảm bảo mức phấn đấu tăng thu bình quân tối thiểu 15% theo quy định...
KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.109 tỉ đồng, trong đó một số đơn vị có kiến nghị nộp NSNN lớn như Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) 2.668 tỉ đồng, Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) 1.852 tỉ đồng, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam 1.753 tỉ đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 255 tỉ đồng… Đặc biệt, qua đối chiếu thuế 2.497 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 47 địa phương, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.351 tỉ đồng tại 2.344 doanh nghiệp và kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra, làm rõ để truy thu 446 tỉ đồng.
Sau khi chỉ ra hàng loạt sai phạm trong hàng loạt dự án được NSNN chi đầu tư, ông Hồ Đức Phớc đề cập tới các dự án sử dụng nguồn vốn khác, tức vốn của các tập đoàn, tổng công ty (dự án tổ hợp bôxit-nhôm Lâm Đồng, dự án muối mỏ tại Lào, dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, dự án thủy điện Nậm Chiến…). Sai phạm chủ yếu của các dự án này là chủ đầu tư chưa huy động đủ vốn theo cơ cấu trong phương án tài chính được duyệt; một số dự án lập TMĐT không sát thực tế dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn…
“Qua kiểm toán 1.497 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỉ đồng” - tổng KTNN cho hay.
KTNN cũng đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Chi sai vẫn tái diễn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải thì nhận định: Tình trạng chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí ở các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư và cả trong điều hành ngân sách vẫn tái diễn. Tại các bộ, ngành, địa phương còn sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỉ đồng; sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác 804,8 tỉ đồng; nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết toán một số khoản chi thường xuyên không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức.
“Một số bộ, ngành, địa phương tỉ lệ nợ đọng lớn so với tổng chi đầu tư phát triển; còn để phát sinh nợ đọng mới 14.614 tỉ đồng; có địa phương chưa xây dựng phương án, lộ trình xử lý nợ theo chỉ đạo của Thủ tướng. Các dự án được kiểm toán hầu hết đều có sai sót trong nghiệm thu, thanh toán nên qua kiểm toán 1.497 dự án KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỉ đồng” - ông Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo.