Từ khi công nghệ ra đời, cảnh các bác tài “ngược xuôi” tìm khách, chầu chực cả ngày trước cổng trung tâm mua sắm, siêu thị... biến mất. Theo đó, tài xế bắt khách qua ứng dụng và một tài xế có thể thực hiện 10-20 cuốc xe/ngày với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Không còn cảnh “ngược xuôi” tìm khách
Trước khi có cuộc “cách mạng” gọi xe, muốn có khách, tài xế taxi phải chạy vòng quanh các con đường để tìm hoặc chờ bên ngoài các khách sạn, khu thương mại - nơi có nhiều du khách, hay chờ ở bến đỗ taxi. Phí thời gian, hao nhiên liệu, tốn phí đỗ xe, xác suất bắt được khách cũng không cao, phải cạnh tranh với nhiều xe khác cùng lúc, đó là những lý do không ít tài xế taxi truyền thống chuyển sang chạy GrabCar.
Anh Phan Văn Chiến, đối tác tài xế GrabCar, giờ đây không còn áp lực phải tìm chỗ đón khách như trước đây.
Từng chạy cho một hãng taxi 13 năm, nay chuyển sang chạy GrabCar, anh Phan Văn Chiến cho biết: “Với sự hỗ trợ của công nghệ, khách có thể tự động kết nối với tài xế qua hệ thống một cách nhanh chóng, không phải chạy lòng vòng. Đặc biệt, lượng khách đều và ổn định hơn rất nhiều”.
Cuộc sống gia đình của anh Mai Văn Khiển, đối tác tài xế GrabCar, đã cải thiện hơn nhờ có lượng khách ổn định.
Cũng từng là tài xế taxi có tám năm kinh nghiệm, anh Mai Văn Khiển khi chuyển sang chạy GrabCar khá hài lòng. Anh chia sẻ: “Giờ chạy Grab, an tâm nhất là lượng khách hàng ổn định hơn".
Riêng với những đối tác tài xế chạy GrabCar bán thời gian như anh Nguyễn Văn Hoàng thì “nhiều khi trên đoạn đường đi làm thôi cũng có thể thực hiện được hai, ba cuốc xe mà khỏi phải chạy vòng vèo đón khách, rất là tiện”.
Cánh xe ôm thời “truyền thống” cũng khá chật vật. Cảnh tượng thường thấy là các bác tài phải “trực chốt” ở các bệnh viện, trường học, chợ, ngã tư đèn xanh đèn đỏ, vỉa hè… Nhưng không phải lúc nào cũng có khách chịu đi, có khi phải “ngáp dài” cả ngày. Còn khi “khoác áo Grab” thì mọi chuyện lại khác. Ông Ngô Văn Út, đối tác tài xế GrabBike 70 tuổi, tâm sự: “Hồi xưa phải nài nỉ người khác đi xe, có khi phải giành giật đến đánh nhau với xe ôm khác. Còn bây giờ chạy xe công nghệ rồi, khỏi lo không có khách”.
Ngoài ra, các đối tác tài xế công nghệ hài lòng nhất là sự minh bạch về quãng đường, cước xe nên có sự tin tưởng giữa tài xế và hành khách, không ai nghi ngờ hay kỳ kèo qua lại: “Mình lỡ đi đường kẹt xe, mình đổi tuyến khác, khách cũng biết nên sẽ không nói mình vẽ đường kiếm thêm tiền” - anh Nguyễn Văn Hoàng, đối tác tài xế chạy GrabCar bán thời gian, cho hay.
Thu nhập nhảy vọt hàng chục triệu
Theo thống kê từ Grab, tính đến tháng 9-2018, hãng có 175.000 đối tác tài xế. Từ một nghề được cho là vất vả, “bạc bẽo”, với sự hỗ trợ của công nghệ, tài xế trở thành một nghề “hot”, mang đến thu nhập tốt cũng như cơ hội “đổi đời” cho không ít người. Ngay cả với những người lao động chân tay, trình độ học vấn thấp vẫn được Grab hỗ trợ tối đa để có thể tiếp cận công nghệ, phục vụ tốt cho công việc.
So với mặt bằng thu nhập hiện nay của người lao động tại Việt Nam (5,53 triệu đồng/tháng, khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thu nhập của các tài xế công nghệ có thể cao gấp ba, gấp bốn.
Điển hình, anh Trần Văn Hoàn, vốn trước đây làm nhân viên văn phòng, lương tối đa chỉ 10 triệu đồng/tháng, từ khi trở thành đối tác tài xế GrabCar thu nhập đã tăng gấp đôi. Riêng với những người chọn Grab như công việc “part-time” cũng có mức thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng.
Tượng tự, anh Lê Đình Tùng, vừa chạy GrabCar vừa kinh doanh riêng. “Thu nhập mỗi tháng từ việc chạy Grab của tôi dao động từ 10-15 triệu đồng. Nhiều khi trên đường vận chuyển hàng hóa kinh doanh của mình, tôi cũng có thể thực hiện vài cuốc xe Grab ngắn để tận dụng…” - anh Tùng tiết lộ.
Được học vốn kỹ năng mềm
Nhớ về những ngày đầu gia nhập Grab, anh Thế Cảnh, đối tác tài xế GrabCar, chia sẻ: “Mình không quen sử dụng điện thoại thông minh nhưng trước khi bắt đầu công việc đã được Grab hỗ trợ rất tốt. Grab thường có những khóa đào tạo làm sao để đạt được chất lượng phục vụ tốt nhất cho người mới như sử dụng ứng dụng như thế nào, cách nhận chuyến, đọc bản đồ di chuyển…”.
Tỏ ra khá bất ngờ về sự chu đáo trên, anh Lê Đình Tùng, đối tác tài xế GrabCar, kể: “Grab đào tạo rất kỹ về việc sử dụng phần mềm, chế tài, các quy tắc ứng xử lúc làm việc, xử lý tình huống khi đón khách, mình cũng tự tin hơn”.
Ngoài ra, nhiều tài xế cũng thừa nhận từ khi lái xe công nghệ, tâm tính cũng… thay đổi hẳn. Anh Mai Văn Khiển, tài xế GrabCar, thú nhận: “Chạy Grab giúp mình trở nên thân thiện hơn và học được cách giao tiếp dễ chịu hơn…”.