Mang nhiệm vụ đưa đón hành khách, đặc biệt là đối với các cuốc xe đêm, những đối tác tài xế Grab luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho hành khách của mình. Nhưng cũng vì vậy mà không ít người rơi vào tình huống dở khóc dở cười.
An toàn của khách, mục tiêu hàng đầu
Anh Sơn Thành Lễ (26 tuổi, đối tác tài xế GrabBike) có lẽ không thể ngờ trong “sự nghiệp” chạy xe ôm công nghệ của mình, có hành khách gọi đặt xe nhưng… không đi xe, chỉ nhờ “hộ tống”.
Trở thành “vệ sĩ” bất đắc dĩ là kỷ niệm không thể nào quên của anh Sơn Thành Lễ.
Anh kể: “Hôm đó 1 giờ sáng, tôi nhận cuốc đón khách mà tới nơi thấy ngộ quá, vì cô gái ấy cũng có xe. Hỏi ra mới biết cô ấy mang nhiều tiền, sợ ăn cướp nên không dám chạy xe về một mình, nên nhờ “hộ tống”. Thấy kỳ quá nhưng lúc đó cũng khuya rồi, con gái một thân một mình cũng sợ thật nên tôi nhận chạy một cuốc Grab không chở khách mà đi theo làm... vệ sĩ!”.
Tài xế Lễ cũng tiết lộ cha của anh, anh trai anh đều chạy Grab. Căn nhà riêng tích góp hơn 30 năm từ Trà Vinh lên Sài Gòn lập nghiệp cũng trở thành “quán trọ” cho anh chị em trong nghề.
Nhắc đến chuyện đánh giá “sao”, anh Lễ tự tin luôn được khách đánh giá “5 sao” vì hành động “ga lăng” của mình đối với khách. Tuy nhiên, anh Hoàng Anh Tuấn lại không “may mắn” như vậy.
Chuyện xảy ra đã lâu nhưng đến giờ anh vẫn nhớ như in. Đó là năm 2015, anh chở một khách nữ từ Hàng Tre (quận 9) qua Giải Phóng (Tân Bình). Lúc lên xe khách đã say.
“Tôi cố gắng nói chuyện với bạn cho bớt say. Nhưng đến đoạn Lê Duẩn, tôi phải tấp xe lại bên lề đường để khách nôn. Do trời bắt đầu tối, bạn đó ăn mặc không được kín đáo lắm nên tôi xuống xe đưa bạn khăn lạnh, nước và ngồi cạnh cho an toàn” - anh Tuấn kể.
Kết thúc hành trình, khách lại chấm anh Tuấn "1 sao”. Nếu câu chuyện dừng ở đây thì không có gì đáng nhớ. Nhưng sáng hôm sau, khách gọi điện xin lỗi anh và cho rằng vì say nên đã chấm anh "1 sao”. “Cô ấy hỏi tôi giờ muốn đổi lại đánh giá phải làm thế nào nhưng tôi chỉ cảm ơn rồi nói không sao, chuyện đâu có đáng gì” - anh vui vẻ cho biết.
Anh Hoàng Anh Tuấn tại buổi tiệc cuối năm tri ân đối tác tài xế của Grab.
Với anh, sự an toàn của khách vẫn quan trọng hơn cả. Anh cũng là một trong những đối tác tài xế gắn bó lâu nhất với Grab và được trao giải cống hiến vì những hành động đẹp của mình.
Công nghệ - nền tảng của sự tin tưởng
Có thể nói trong câu chuyện có phần “éo le” của các đối tác tài xế thì điều đọng lại cuối cùng là niềm tin. Hành khách có sự tin tưởng tuyệt đối vào người tài xế, tất cả là nhờ vào công nghệ.
Gọi xe công nghệ vừa nhanh chóng vừa tiện lợi là điều nhiều người đã biết nhưng không phải ai cũng nhận ra rằng nhờ công nghệ mà sự an toàn của hành khách và tài xế được đảm bảo hơn nhiều.
Trước đây, không có công nghệ nào hỗ trợ hành khách để có thể chia sẻ chuyến đi với những người thân của họ, cũng không có nút SOS khẩn cấp để gọi sự giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp. Hay hành khách lên xe mà không hề biết tên tuổi, danh tính người cầm lái. Sự có mặt của những ứng dụng như Grab đã khiến bức tranh ấy hoàn toàn thay đổi.
Về khía cạnh an toàn cho đối tác tài xế, Grab cũng có những chính sách và tính năng hỗ trợ. Cụ thể, Grab gửi báo cáo về các chỉ số an toàn khi lái xe hằng tuần cho đối tác tài xế, qua đó giúp các đối tác nâng cao nhận thức về an toàn cho cả bản thân và khách hàng, đồng thời cải thiện về chất lượng phục vụ cho hành khách đi xe.
Mỗi ngày, khi bắt đầu công việc, những đối tác tài xế như anh Lễ, anh Tuấn không biết mình sẽ gặp vị khách nào trong những tình huống thế nào. Nhưng bằng cái tâm với nghề và tinh thần trách nhiệm với sự an toàn của mỗi hành khách, họ vẫn sẵn sàng để hóa thân thành những chàng “vệ sĩ” đường phố, “hộ tống” hành khách trên những chuyến xe an toàn và tin cậy - với sự trợ giúp của công nghệ thời 4.0.