Nhiều thách thức trong xuất khẩu sầu riêng chính ngạch

(PLO)- Việc Trung Quốc ký kết nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng mở ra cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho lĩnh vực này. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-10, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu.

Mã vùng trồng như tài sản quý

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, năm 2022, tỉnh này có hơn 15.000 ha trồng sầu riêng, đứng thứ hai trong cả nước (chỉ sau tỉnh Tiền Giang), ước sản lượng thu hoạch khoảng 170.000 tấn.

Tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng sầu riêng. Ảnh: VL

Tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng sầu riêng. Ảnh: VL

Nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng mở ra cơ hội cho lĩnh vực trồng sầu riêng, trong đó có tỉnh Đắk Lắk.

Nhiều ý kiến khác cho rằng xuất khẩu sầu riêng tạo nguồn thu lớn cho nông dân nhưng thách thức cũng rất nhiều. Thách thức chính là việc phải duy trì, tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc đối với các vùng trồng đã được cấp mã số trong suốt quá trình sản xuất.

Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, một trong những đơn vị được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, để sản phẩm sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch có nhiều điều kiện khắt khe.

“Cá nhân tôi cũng như các thành viên của hợp tác xã luôn xem mã vùng trồng như tài sản quý. Chúng tôi nhận thức rằng quá trình kiểm tra, nếu bị nước nhập khẩu trả lại sản phẩm không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành nông nghiệp tỉnh nhà”-ông Chiến chia sẻ.

Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu mong muốn công ty bà sẽ xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu ở huyện Krông Búk, thị xã Buôn Hồ. Bởi hai địa phương này cho thu hoạch trễ nhất so với các vùng khác. Tuy nhiên, khi mở rộng vùng trồng còn nhiều bất cập.

Tiềm năng sầu riêng còn rất lớn

Trao đổi với PLO bên lề hội nghị, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện nay tỉnh này có 1.500 ha sầu riêng được cấp 23 mã vùng trồng.

Ông Nguyễn Hoài Dương trả lời các báo chí. Ảnh: AX
Ông Nguyễn Hoài Dương trả lời các báo chí. Ảnh: AX

“Diện tích trồng sầu riêng ở Đắk Lắk còn rất lớn. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ xây dựng để được cấp thêm nhiều diện tích hơn nữa thì mới đảm bảo nguồn cung xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc” – ông Dương thông tin.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh ĐắK Lắk, tất cả mã số vùng trồng sầu riêng phải tuân thủ các điều kiện, tiêu chuẩn, giữ được uy tín của sản phẩm. Điều này mới đảm bảo được việc xuất khẩu bền vững.

“Sắp tới, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ ban hành văn bản xác định vai trò, trách nhiệm cụ thể của các sở ngành liên quan trong việc xác định cấp mã vùng trồng sầu riêng” – ông Dương cho hay.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, thông tin tại hội nghị. Ảnh: VL

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, thông tin tại hội nghị. Ảnh: VL

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở NN&PTNT xem xét về sản lượng sầu riêng trong thời gian tới. “Chúng ta phải đặt ra bài toán liệu rằng sản lượng sầu riêng có vượt cầu của thị trường hay không? Đến thời điểm này sản lượng sầu riêng đã vượt sản lượng cà phê. Việc này có nên hay không? Chỗ này chúng ta phải tính toán kỹ, không để bùng nổ ở diện rộng”-ông Nguyễn Tuấn Hà lưu ý.

Ông Hà nêu “bài học” từ hạt cà phê xuất khẩu trước đây. “Ngày trước, chúng ta cũng làm ngành cà phê phát triển, xuất khẩu bền vững nhưng đến nay vẫn không bền vững. Sản lượng vẫn tăng lên, quy hoạch thì bài bản, mở rộng… chất lượng vẫn như thế. Nhưng cơ bản vẫn là xuất thô.

Nếu cà phê chúng ta được chế biến sâu, có nhiều loại sản phẩm khác nhau, không phải xuất thô như thế này thì nền kinh tế khác lâu rồi. Hơn nữa, các nhà máy chế biến cà phê cơ bản đều đặt ở TP.HCM và Bình Dương” – ông Nguyễn Tuấn Hà nói.

Cần chế tài mạnh việc gian lận mã vùng trồng sầu riêng

Ông Nguyễn Hoài Dương, Gám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, đề nghị bên cạnh đảm bảo chất lượng xuất khẩu sầu riêng, cần có biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng mã vùng trồng gian lận.

Về vụ việc mã vùng trồng cấp cho người dân thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch lại bị doanh nghiệp quản lý, sử dụng, ông Dương cho rằng giữa người dân và doanh nghiệp chưa có sự thỏa thuận, thống nhất chặt chẽ và hiểu nhau.

“Mã vùng trồng cấp cho người dân, quyền lợi thì phải chia sẻ, rõ ràng, minh bạch. Không được lợi dụng mã vùng trồng nơi này để đi lấy sầu riêng nơi khác. Đó là hành vi gian lận và sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định. Thời gian tới, trong kế hoạch mà UBND tỉnh ban hành xác định rõ các trình tự các bước sử dụng mã vùng trồng”-ông Dương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm