Ngày 11-10, trao đổi với PLO, ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết sở đã đề nghị rà soát lại quy trình cấp mã vùng trồng sầu riêng của người dân thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk.
Bất ngờ rơi vào tay doanh nghiệp
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, có hơn 100 ha trồng sầu riêng của người dân ở thôn Tân Bắc được cấp mã vùng trồng sầu riêng hồi năm 2020. Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm (gọi tắt là Công ty Thiện Tâm) trực tiếp làm các thủ tục liên quan.
Bà Lê Thị Hường, người trồng sầu riêng ở thôn Tấn Bắc bày tỏ bức xúc khi bị mất mã vùng trồng sầu riêng. Ảnh: VL |
Giữa tháng 9-2022, Bộ NN&PTNT công bố chuyến hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu theo nghị định thư ký kết giữa Bộ NN&PTNT của Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Ngay sau đó, một số hộ trồng sầu riêng ở thôn Tân Bắc đề nghị chính quyền địa phương cấp mã vùng trồng sầu riêng cho họ.
“Khi đến UBND xã đề nghị làm thủ tục, người dân nhận được câu trả lời mã vùng trồng của thôn đã được cấp từ trước đó. Lúc này, người dân bức xúc vì cho rằng mã vùng trồng đã bị đánh cắp”- ông Hoàng Trọng Cường, Trưởng thôn Tân Bắc kể.
Theo bà Hồ Thị Nga (39 tuổi, ngụ thôn Tân Bắc), qua làm việc với các bên liên quan, bà được biết diện tích cây trồng gia đình bà đã được cấp mã số vùng trồng sầu riêng do Công ty Thiện Tâm khai báo. Mã vùng trồng được cấp cho thôn Tân Bắc là VN-ĐLOR 0072. Sau đó, doanh nghiệp này lại trực tiếp quản lý, sử dụng và không hề có thông báo gì đến người dân.
Bà Hồ Thị Nga bức xúc vì mã vùng trồng sầu riêng của dân lại để doanh nghiệp quản lý, sử dụng. Ảnh: VL |
“Dù đang quản lý mã vùng trồng nhưng Công ty Thiện Tâm không hề đặt vấn đề để mua sầu riêng của người dân ở thôn Tân Bắc” – bà Nga bức xúc.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, năm 2022, tỉnh này có 15.000 ha trồng sầu riêng, đứng thứ hai trong cả nước (chỉ sau tỉnh Tiền Giang), ước sản lượng thu hoạch khoảng 170.000 tấn.
Trong đó, huyện Krông Pắk có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với gần 3.800 ha. Trong đó, có 2.600 ha cho thu hoạch, sản lượng bình quân 40.000- 50.000 tấn mỗi năm. Tại huyện Krông Pắk có 581 ha với 497 hộ dân sản xuất đã được kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).
Còn bà Lê Thị Hường (55 tuổi, ngụ cùng thôn) nói bà nghi ngờ Công ty Thiện Tâm đã lợi dụng việc thôn được cấp mã vùng trồng để phục vụ lợi ích của doanh nghiệp.
“Giá bán theo con đường chính ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cao hơn giá bán truyền thống. Chúng tôi đề nghị doanh nghiệp trả lại mã vùng trồng, cam kết thu mua nông sản. Người dân sẵn sàng khởi kiện Công ty Thiện Tâm ra tòa để đòi trả lại mã vùng trồng sầu riêng” – bà Hường nói.
Người trồng sầu riêng bị thiệt thòi
Nhiều người trồng sầu riêng cho hay giá mua sầu riêng loại 1 đang bán ở thị trường giao động 60.000- 70.000 đồng/kg. Trong khi giá bán của vùng được cấp mã vùng trồng 80.000- 90.000 đồng/kg. Khi xuất khẩu chính ngạch, giá bán cho đối tác Trung Quốc sẽ khoảng 240.000 đồng/kg trở lên.
Người dân thu hoạch sầu riêng. Ảnh: LX |
Theo trưởng thôn Tân Bắc, đến nay người trồng sầu riêng ở địa phương này chưa nhận được quyền lợi gì từ việc được cấp mã vùng trồng sầu riêng. "Chúng tôi đề nghị Công ty Thiện Tâm báo cáo rõ đã lấy bao nhiêu diện tích, sản lượng đăng ký, hộ dân để bán sầu riêng sang Trung Quốc khi chưa được sự thống nhất của người dân và chính quyền thôn" - ông Hoàng Trọng Cường nói.
Còn ông Bùi Đình Lục, Tổ trưởng tổ VietGAP xã Ea Kênh, cho biết toàn thôn Tân bắc có hơn 100ha trồng sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP và điều kiện được cấp mã vùng trồng. Thời gian qua, người dân ở thôn rất lo lắng xảy ra trường hợp trộn sầu riêng nơi khác kém chất lượng hơn để xuất khẩu.
Trao đổi với PV, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho rằng để xảy ra tình trạng nói trên do có sự lúng túng giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. “Đây là lần đầu tiên huyện làm các thủ tục liên quan xuất khẩu sầu riêng bằng con đường chính ngạch nên còn hơi lúng túng, chưa có sự kết nối chặt chẽ” – bà Trinh thừa nhận.
Theo phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, mã vùng trồng là tài sản của người dân. Tới đây huyện sẽ mời doanh nghiệp quản lý số giúp xây dựng phần mềm để quản lý các mã vùng trồng ở địa phương. "Việc quản lý mã vùng trồng bằng công nghệ sẽ triệt tiêu nạn độn hàng, đổi mã” – bà Trinh nêu giải pháp.
Theo ông Vũ Đức Côn, Sở NN&PTNT đã yêu cầu Chi cục trồng trọt có buổi làm việc với người dân, chính quyền địa phương để có hướng xử lý. “Sầu riêng đã hết xuất bán từ lâu rồi. Cái cần làm hiện nay là củng cố lại tình hình nhằm tránh tình trạng tranh mua tranh bán nói chung và bảo vệ người được cấp mã số vùng trồng để chuẩn bị cho vụ sang năm” – ông Vũ Đức Côn nói
Doanh nghiệp đang quản lý mã vùng nói gì?
Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Công ty Thiện Tâm, xác nhận công ty ông đang quản lý, sử dụng mã vùng trồng VN-ĐLOR 0072 của thôn Tân Bắc. Ông Tâm cho rằng khi được cấp mã vùng trồng thì giá bán sầu riêng sẽ cao hơn, người dân được hưởng lợi. Ông Tâm nói đáng lẽ "người dân phải mang ơn ông" nhưng họ lại quay ra kiện ông "cướp mã" khiến ông rất buồn (!?)