Nhiều tiềm năng nhưng thu nhập bình quân ở Nghệ An chỉ bằng 50% cả nước

(PLO)- ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) ngạc nhiên khi với nhiều lợi thế, tiềm năng nhưng thu nhập bình quân ở Nghệ An mới chỉ bằng 50% mức bình quân cả nước, tương đương 56 triệu đồng/người/năm…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều ngày 6-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhấn mạnh Nghệ An là quê hương của Bác Hồ vĩ đại, có diện tích lớn nhất nước, dân số đứng thứ 4 trong số 63 tỉnh thành, có vị trí trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ.

Nghệ An là địa phương có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, tinh thần hiếu học, mảnh đất sản sinh nhiều anh hùng hào kiệt, danh nhân lịch sử.

ĐB Ngân cho hay sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26/2013 của Bộ Chính trị, Nghệ An đã đạt được một số thành tựu. Tuy nhiên đến nay Nghệ An vẫn là một tỉnh khó khăn, chưa cân đối được ngân sách, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiếu đồng bộ, khu vực miền Tây còn nhiều khó khăn, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn…

tran-hoang-ngan.jpeg
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)

“Tôi tham khảo số liệu và thấy ngạc nhiên khi GDP bình quân đầu người của Nghệ An chỉ bằng 50% mức bình quân cả nước, tương đương 56 triệu đồng/người” – ĐB Ngân nói và đặt câu hỏi: “Vì sao Nghệ An còn nhiều khó khăn, hạn chế như trên?”.

Theo ĐB Ngân một trong những nguyên nhân khiến Nghệ An còn nhiều khó khăn là do một số cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù chậm được ban hành, thiếu giải pháp đột phá để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào tỉnh.

Trước tình hình này, Chính phủ đã trình Quốc hội và QH đã ban hành Nghị quyết 36 thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho Nghệ An, qua 2 năm thực hiện nhưng chưa đủ động lực để đưa Nghệ An phát triển. Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39 với yêu cầu cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Nghệ An, nâng cao đời sống của người dân.

“Tôi rất đồng tình với dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, tức là nghị quyết cũ vẫn tiếp tục có giá triệu lực, chúng ta chỉ bàn thêm những cơ chế bổ sung và trong cơ chế bổ sung có 16 chính sách, tôi thống nhất với 16 chính sách này” – ông Ngân nói.

Cùng quan điểm với ĐB Ngân, nhiều ý kiến khác cũng ủng hộ việc bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Ngoài ra có một số ý kiến băn khoăn về nguồn thu để lại cho Nghệ An; chính sách đầu tư cho huyện Nam Đàn và các huyện phía Tây của Nghệ An; về cơ chế xã hội hoá; thời điểm hiệu lực của nghị quyết…

Làm rõ hơn các ý kiến thảo luận, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay các ĐB có băn khoăn chúng ta đã có Nghị quyết 36 rồi, bây giờ có cần ban hành thêm Nghị quyết mới không?

“Tôi cho rằng việc ban hành Nghị quyết mới là sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển của Nghệ An trong tình hình mới” – ông Dũng nói.

nguyen-chi-dung.jpeg
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Ông Dũng khẳng định dự thảo Nghị quyết mới cũng đảm bảo các nguyên tắc, yêu cầu đặt ra, cụ thể phù hợp với chủ trương đường lối, đúng thẩm quyền, có cơ sở lý luận và thực tiễn, đảm bảo tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát…

Về nguồn thu để lại cho Nghệ An, Bộ trưởng KH&ĐT cho hay sẽ làm tăng từ ngân sách cho Nghệ An là khoảng 1.400 tỷ, con số này đối với ngân sách Trung ương là không lớn, nhưng đối với Nghệ An là rất lớn.

“Chúng tôi nghĩ rằng nên ủng hộ để Nghệ An có điều kiện, có nguồn xây dựng phát triển hạ tầng cho các huyện miền Tây của Nghệ An, từ đó rút ngắn khoảng cách phát triển” – ông Dũng nói.

Về chính sách cho huyện Nam Đàn và 11 huyện miền Tây của Nghệ An, ông Dũng cho hay hiện có hai luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị để mở và giao cho địa phương quyết định, ý kiến còn lại đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng.

“Quan điểm của chúng tôi thì nên để cho tỉnh quyết định, không nên quy định cứng, để tránh trường hợp sau này có một vấn đề vướng mắc lại khó cho địa phương. Chúng ta nên giao trách nhiệm cho tỉnh với sự giám sát chặt chẽ của các cấp” – ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho hay việc thu hút xã hội hoá ở ở miền Tây Nghệ An là rất khó, vì vậy cần phải nâng tỷ lệ vốn của nhà nước ở các dự án xã hội hoá.

“Chúng tôi đề nghị những dự án nào khả thi, thu hút vốn được thì nâng tỷ lệ 70%. Với các dự án khó thu hút thì sử dụng đầu tư công” – ông Dũng nói.

Về thời gian để đảm bảo dự thảo Nghị quyết có hiệu lực, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sự nhất trí với ý kiến của các đại biểu là sẽ rà soát lại, đảm bảo tính chính xác, khớp với Nghị quyết cũ.

“Về chính sách mới, hiện nay chúng ta chưa tổng kết đánh giá Nghị quyết 36 cho nên trong thời gian tổng kết Nghị quyết 36 chúng tôi sẽ cùng với Nghệ An, cùng các bộ, ngành sẽ đánh giá lại xem có cần phải bổ sung chính sách gì nữa không thì sẽ báo cáo Chính phủ và Quốc hội sau” – ông Dũng cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm