Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Nghệ An sẽ có tối đa 5 phó chủ tịch UBND tỉnh

(PLO)- Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đề xuất cho UBND tỉnh Nghệ An có không quá năm phó chủ tịch, tăng một người so với các địa phương khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 31-5, Quốc hội nghe báo cáo, thẩm tra báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Đề xuất tăng một phó chủ tịch

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hóa Nghị quyết 39/2023 của Bộ Chính trị nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Nghệ An sẽ có tối đa 5 phó chủ tịch UBND tỉnh
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định bốn nhóm lĩnh vực với 14 chính sách, gồm quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (4 chính sách), quản lý đầu tư (6 chính sách), quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách) và tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).

Trong 14 chính sách, có hai chính sách tương tự hoàn toàn đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương, 8 chính sách tương tự cũng được áp dụng tại các địa phương khác và có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tỉnh Nghệ An, hoặc tương tự dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. “Đặc biệt, Chính phủ đề xuất bốn chính sách mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An.

Chính phủ còn đề xuất cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên.

Ngoài ra, Nghệ An còn được đề xuất phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay trong dự thảo lần này, Chính phủ đề xuất cho UBND tỉnh Nghệ An có không quá năm Phó Chủ tịch (tăng một Phó Chủ tịch tỉnh so với các tỉnh khác).

bo-truong-kh-dt-nguyen-chi-dung-nghe-an-se-co-toi-da-5-pho-chu-tich-ubnd-tinh-nghe-an.jpg
Các đại biểu tham dự tại phiên họp. Ảnh: QH

Tạo sức bật mới cho Nghệ An phát triển

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh cho rằng việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là cần thiết, có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.

Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng Nghị quyết của cơ quan trình, đồng thời lưu ý các chính sách cần thể hiện được tính đặc thù riêng biệt trong phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh. Cùng với đó, phải tạo được sức bật mới nhằm phát triển Nghệ An xứng đáng với vai trò là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.

Về nhóm chính sách tương tự đã được áp dụng tại các địa phương khác hoặc tương tự, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với những chính sách Chính phủ trình nhưng đề nghị có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn tại Nghệ An.

bo-truong-kh-dt-nguyen-chi-dung-nghe-an-se-co-toi-da-5-pho-chu-tich-ubnd-tinh-le-quang-manh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: QH

Về tổ chức bộ máy đối với TP Vinh, dự thảo chính sách đề xuất HĐND TP Vinh được tổ chức ba ban của HĐND, có không quá hai Phó Chủ tịch và thêm tám thành viên hoạt động chuyên trách; UBND có không quá bốn Phó Chủ tịch.

Ông Lê Quang Mạnh cho hay đa số ý kiến Ủy ban TCNS và Ủy ban Pháp luật cho rằng theo dự kiến sẽ sáp nhập thị xã Cửa Lò và bốn xã của huyện Nghi Lộc vào TP Vinh; sau khi mở rộng khối lượng công việc tăng lên, đòi hỏi phải tăng cường bộ máy quản lý. Hơn nữa việc bổ sung này là cần thiết để thực hiện mục tiêu phát triển TP Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ và là một trong những đô thị lớn của cả nước.

“Việc tăng cường tổ chức bộ máy cho một số cơ quan của tỉnh Nghệ An cũng không làm tăng biên chế hành chính do khi sáp nhập thị xã Cửa Lò vào TP Vinh đã tinh gọn đáng kể tổ chức bộ máy và biên chế” - Ủy ban TCNS nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Ủy ban TCNS cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm được phân cấp, phân quyền tăng thêm; việc bố trí, sắp xếp đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; việc đổi mới phương thức hoạt động của HĐND khi được tăng cường về tổ chức và bộ phận chuyên trách…

Với chính sách đặc thù về số lượng cấp phó, dự thảo Nghị quyết quy định UBND tỉnh Nghệ An có không quá năm phó chủ tịch. “Đây là nội dung liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế, giảm cấp phó theo các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị. Chính sách này đã được báo cáo và được Bộ Chính trị có ý kiến chấp thuận. Với cơ sở chính trị đó, Ủy ban TCNS nhất trí với dự thảo Nghị quyết” – ông Lê Quang Mạnh nói.

Cho phép Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công

Về chính sách cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn miền Tây Nghệ An, Ủy ban TCNS dự kiến khi cơ chế, chính sách được thực hiện, mỗi năm ngân sách tỉnh Nghệ An sẽ được bổ sung thêm khoảng 900 tỉ đồng.

Do vậy, nếu số thu trên không dùng để xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, ngân sách trung ương sẽ giảm tương ứng với số thu do ngân sách tỉnh Nghệ An được hưởng do không dùng để xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Ủy ban TCNS cũng cho biết đa số ý kiến cho rằng miền Tây Nghệ An là địa bàn đặc biệt khó khăn, đầu tư hạ tầng còn hạn chế; là địa bàn quan trọng, nhạy cảm về chính trị, quốc phòng, an ninh. Do vậy chính sách trên sẽ giúp bổ sung nguồn lực cho tỉnh Nghệ An trong đầu tư phát triển miền Tây Nghệ An.

Các ý kiến của Ủy ban TCNS cũng đồng ý với chính sách cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An.

Theo Ủy ban TCNS, việc này sẽ tạo đà phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An, đồng thời bảo đảm tính ổn định và công khai, minh bạch, rõ ràng của chính sách; tạo sự chủ động cho địa phương trong việc cân đối, lập kế hoạch bố trí nguồn lực cho các dự án…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm