Sáng 12-9, sau khi nghị án kéo dài do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Hà Tĩnh chưa tuyên án vụ bị cáo Mai Chí Phương (36 tuổi, là giám đốc Công ty TNHH Huy Đoàn Hưng), Võ Thị Thành (34 tuổi, là vợ của Phương). HĐXX quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số tình tiết, dòng tiền... rồi tạm dừng phiên toà để triệu tập một số người liên quan.
Luật sư đề nghị nhập vụ án
Bị cáo Phương và Thành bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Cả hai vợ chồng đang bị đề nghị mức án tù chung thân cho hai tội danh nêu trên.
Thẩm phán chủ toạ phiên toà thông tin, đã có kết quả giám định nội dung file trong điện thoại của bị cáo Thành theo yêu cầu của bị cáo và luật sư. Luật sư bảo vệ cho bị cáo nêu ý kiến mong muốn tiếp cận thêm tài liệu này, tuy nhiên việc mở niêm phong điện thoại cần đúng quy định, yêu cầu có mặt của bị cáo hoặc luật sư khi mở niêm phong.
Luật sư bảo vệ cho anh TQQ (bị hại trong vụ án) hỏi bị cáo Phương: Bị cáo bị truy tố lừa đảo chiếm đoạt 70 tỉ đồng, trong số tiền này bao nhiêu tiền bị cáo đã sử dụng vào nội dung gì?.
Bị cáo Phương trả lời: Số tiền đó bị cáo trả nợ, trả lãi, chơi tiền điện tử trên mạng.
Vợ của Phương nói: Bị cáo khẳng định tiền đó vợ chồng không chi tiêu bất kỳ khoản nào trong số tiền của bị hại. Quá trình bị cáo tiếp cận sao kê tài khoản của chồng bị cáo thì số tiền chơi tiền ảo (chơi tiền điện tử trên mạng) không mất.
Ở phiên toà ngày trước, bị cáo Thành trình bày, trước khi bị khởi tố, vợ chồng bị cáo đã vay nặng lãi, cầm cố hơn 10 lô đất...
Bị cáo Thành đã làm đơn tố cáo hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với bà NTL, ông VNV, ông NDT, chị TTH, bà NTH, chị HTKH (cùng trú Hà Tĩnh). Đơn tố cáo Thành nộp từ tháng 9-2023 đến tháng 8-2024 mới được đưa vào tin báo.
Vợ chồng Phương mong muốn vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được giải quyết trong cùng vụ án mà vợ chồng Phương bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để có thể lấy lại tiền khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tách nội dung tố cáo này để tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư của bị cáo viện dẫn Điều 170 BLTTHS năm 2015 về “nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra” cho rằng cơ quan điều tra tách vụ án làm ảnh hưởng việc xác định nguồn tiền, căn cứ vật chứng trong vụ án.
"Chúng tôi không yêu cầu trả hồ sơ bổ sung để nhập vụ án mà trả hồ sơ điều tra bổ sung để hủy quyết định tách vụ án, để giải quyết trong cùng vụ án”, luật sư nói.
Nhiều luật sư bảo vệ quyền lợi cho một số bị hại cũng đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Bị cáo nộp sao kê "chênh lệch hơn 10 tỉ đồng"
Bị cáo Thành đã nộp thêm hồ sơ, sao kê đã chuyển tiền thể hiện có sự chênh lệch tiền đã chuyển cho các bị hại so với kết luận của cáo trạng.
Trong đó, có chênh 10 tỉ đồng với bị hại NTT (hồ sơ nêu bà T bị chiếm đoạt hơn 40 tỉ đồng). Do số tiền lớn và sao kê dài, giữa bị cáo và bị hại cũng không thể cùng đối chiếu tại phiên tòa.
Luật sư cho rằng cần làm rõ, tách bạch khoản tiền nào là dân sự, khoản nào bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án.
Chủ tọa phiên tòa đã hỏi điều tra viên về việc chênh lệch hơn 10 tỉ đồng trong việc bị cáo nộp sao kê.
Điều tra viên trả lời: Quá trình điều tra, trên cơ sở lời khai, chứng từ chuyển tiền, đã làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để trả lại cho bị hại. Hai bị cáo xác nhận và trình bày những khoản tiền nào là khoản liên quan đến hành vi phạm tội của mình.
Điều tra viên đã cho đối soát và cho xem các sao kê, rà soát đi, rà soát lại, chốt cuối cùng là 40 tỉ đồng (số tiền với bị hại T). Con số đó là con số chính xác đến hiện nay. Còn những khoản tiền khác, những nội dung khác bị cáo trình bày trước phiên tòa hôm nay thì không có trong quá trình điều tra"...
Ngày mai (13-9), phiên toà tiếp tục.
Theo cáo trạng, do kinh doanh bất động sản thua lỗ, phải vay mượn tiền rồi mất khả năng thanh toán nên Phương cùng vợ đưa ra các thông tin gian dối lừa vay tiền đáo hạn hợp đồng vay ngân hàng, góp vốn đầu tư mua bán đất, các dự án bất động sản, xin cấp đất ở mà không đấu giá; sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thực hiện hành vi; lừa thuê, mượn 3 ô tô (xe Toyota Fortuner trị giá hơn 900 triệu đồng, Suzuki XL7 trị giá hơn 600 triệu đồng, xe Toyota Innova trị giá hơn 100 triệu đồng) để chiếm đoạt.
Bằng các thủ đoạn nêu trên, từ đầu năm 2021 đến đầu tháng 11-2022, Phương đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 70 tỉ đồng của 16 người và sử dụng bốn bìa đất giả để chiếm đoạt 7,9 tỉ đồng. Thành lừa đảo chiếm đoạt hơn 68 tỉ đồng của 14 bị hại và sử dụng một bìa đất giả lừa đảo chiếm đoạt 3,7 tỉ đồng của hai người.