Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết tính đến thời điểm lúc 15 giờ chiều 17-8, có khoảng 50% thí sinh đến xác nhận nhập học trong tổng số 1.800 thí sinh mà nhà trường đã thông báo trúng tuyển.
Theo ông An, tổng chỉ tiêu chung của toàn trường năm nay là 1.550 thí sinh nhưng trường phải gọi dư ra lên 1.800 thí sinh (dư 250 em). Bởi thí sinh có thể đậu hai trường, về lý thuyết hai trường như nhau, rất có thể thí sinh sẽ chọn trường kia mà không chọn trường mình.
Ngoài ra ông An thông tin nhà trường lo ngại sẽ thiếu chỉ tiêu trong đợt 1 xét tuyển này, đặc biệt là những chuyên ngành điểm thấp bên dưới rất khó để thí sinh đến nhập học.
"Kể cả có gọi dư, thí sinh chắc chắn đến không đủ, những ngành tốp cao thì không nói. Nhưng tôi dự đoán những ngành điểm ở tốp dưới thì tỉ lệ thí sinh đến xác nhận nhập học sẽ không cao và nhà trường sẽ phải xét tuyển đợt bổ sung. Tuy nhiên, phải đến ngày cuối mới có thể biết chính xác được số lượng cụ thể thí sinh đến xác nhận nhập học là bao nhiêu, sau đó mới tính tiếp được” - ông An cho hay.
Chiều cùng ngày, PGS-TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội, cho biết chỉ tiêu chung của toàn Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội năm nay là 3.120 thí sinh, nhà trường cũng đã gọi dư nhưng hiện tại chỉ có 1.800 thí sinh đến xác nhận nhập học. “Tỉ lệ thí sinh "ảo" dự tính rơi vào khoảng 30% trở lên nhưng phải đến ngày 19 tới đây khi tổng kết mới biết được con số cụ thể” - ông Anh thông tin.
Ông Anh cũng cho hay với tình trạng như hiện nay, một số ngành tới đây có thể sẽ phải xét tuyển đợt bổ sung như kỹ thuật công trình thủy, kỹ thuật tài nguyên nước, kỹ thuật trắc địa bản đồ, kỹ thuật công trình biển… đây là những ngành ở tốp trung bình, tỉ lệ thí sinh đến xác nhận nhập học thấp.
Thí sinh đến xác nhận nhập học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong sáng nay.
Hiện tại phía nhà trường đang phải xem xét mức điểm để xét tuyển cho đợt bổ sung. “Phải theo dõi số lượng thí sinh đến ở đợt 1, có thể nếu thiếu nhiều thì điểm khác, mà thiếu ít sẽ khác. Bộ cũng không yêu cầu điểm đợt bổ sung phải cao hơn điểm đợt đầu” - ông Anh thông tin.
Trước đó trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết thống kê tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển cho thấy đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1, do vậy thí sinh "ảo" là điều tất yếu.
Thứ trưởng Ga cho rằng để đảm bảo quyền lợi thí sinh thì các trường phải chấp nhận "ảo". Không chỉ riêng đối với nước ta mà ngay cả ở các nước phát triển, các trường cũng phải chấp nhận điều này trong tuyển sinh. Trong cơ sở dữ liệu các trường tải về để xét tuyển, Bộ đã cung cấp thông tin về tất cả nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký trong cùng đợt để tham khảo, phán đoán và lọc "ảo". Trong quy chế cũng đã bổ sung nhiều quy định hỗ trợ các trường khắc phục thí sinh "ảo".
Bộ cũng khuyến khích các trường thống nhất tổ chức xét tuyển chung trong cả nước hoặc tham gia các nhóm xét tuyển ở các vùng, miền để khắc phục hay giảm thiểu ảnh hưởng của thí sinh "ảo". Tuy nhiên, một số trường còn do dự.