Nhiều ý kiến không ủng hộ quy định thời hạn sở hữu chung cư

(PLO)- Thường trực Ủy ban Pháp luật có hai loại ý kiến, trong đó loại ý kiến thứ nhất không tán thành quy định mới về sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn vì nhiều lý do.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 17-3, tiếp tục phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý là Chính phủ đề xuất bổ sung mới quy định về sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn.

Lo tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản

Cụ thể, theo Điều 25 của dự thảo, quyền sở hữu căn hộ chung cư chấm dứt khi căn hộ chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc các trường hợp phải phá dỡ theo quy định của luật này.

Khi đó, chủ sở hữu có căn hộ chung cư thuộc diện bị phá dỡ được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất có căn hộ chung cư và phải đóng góp kinh phí để xây dựng lại căn hộ chung cư mới. Trường hợp do quy hoạch không được tiếp tục xây dựng căn hộ chung cư, chủ sở hữu được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.

Chính phủ đề xuất bổ sung mới quy định về sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn. Ảnh: Q.HUY

Chính phủ đề xuất bổ sung mới quy định về sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn. Ảnh: Q.HUY

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay Thường trực ủy ban này nhận thấy căn cứ Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về chấm dứt quyền sở hữu căn hộ chung cư là “có cơ sở pháp lý”.

Tuy nhiên về tính hợp lý, khả thi của đề xuất trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật có hai loại ý kiến, trong đó loại ý kiến thứ nhất không tán thành quy định mới về sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn vì nhiều lý do.

“Việc thay đổi chính sách từ không quy định thời hạn sang quy định thời hạn sở hữu căn hộ chung cư chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ” - ông Tùng lo ngại. Ông cho rằng quy định này có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.

Mặt khác, việc này có thể dẫn đến hệ quả mất cân đối cung - cầu trong lĩnh vực nhà ở, tạo xu hướng “mua đất” thay mua nhà, phát triển hình thức phân lô, bán nền khiến cho giá nhà đất tăng cao, cản trở mục tiêu chính sách phát triển căn hộ chung cư, nhất là ở các đô thị lớn.

Ý kiến này còn cho rằng theo quy định như dự thảo luật, thời hạn sở hữu căn hộ chung cư (tài sản lớn của người dân thực tế) sẽ không được xác lập cụ thể cùng với việc xác lập quyền sở hữu mà phụ thuộc vào quyết định hành chính của cơ quan quản lý về xây dựng khi kiểm định căn hộ chung cư ở các thời điểm khác nhau.

“Điều này dẫn đến hệ lụy là không có cơ sở để xác định thời hạn sở hữu căn hộ chung cư khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” - ông Tùng cho hay.

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết “đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất”.

Tuy nhiên theo ông Tùng, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quy định của dự thảo luật, bảo đảm có cơ sở pháp lý để xử lý các căn hộ chung cư hết niên hạn sử dụng một cách có hiệu quả, đặc biệt là các chung cư cao tầng có số lượng căn hộ rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề: Vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại căn hộ chung cư cũ có phải do quy định về sở hữu không? Phải bắt cho đúng bệnh để có chính sách cho phù hợp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan lắng nghe và có trách nhiệm trong quá trình nghiên cứu, xem xét cho ý kiến về vấn đề này.

“Đối tượng chịu tác động của chính sách quá lớn”

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng thường người mua căn hộ chung cư có thu nhập thấp hơn, còn có tiền họ sẽ mua biệt thự, nhà biệt lập.

Dẫn quy định của Luật Đất đai, ông Cường nói việc giao đất ở không thời hạn. Còn theo dự thảo, căn hộ chung cư có thể có thời hạn 40, 50 năm hoặc nửa chừng bị xuống cấp, hoặc do thiên tai buộc phải tháo dỡ, lúc đó quyền sở hữu không còn nữa.

Cho rằng quy định như dự thảo luật “không hợp lý”, ông Cường đề nghị xem xét lại để tránh phản ứng của người dân, xã hội.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng việc chấm dứt quyền sở hữu căn hộ chung cư có thể không có quá nhiều ảnh hưởng ở các địa phương khác. Tuy nhiên, ở Hà Nội, TP.HCM và một số TP lớn trực thuộc trung ương thì tác động rất lớn do quỹ đất hạn chế, số lượng nhà ở không nhiều, trong mỗi tòa chung cư là hàng trăm, hàng ngàn hộ gia đình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cách tiếp cận mới về sở hữu căn hộ chung cư sẽ khắc phục được vấn đề xử lý, phá dỡ căn hộ chung cư cũ hết thời hạn, không an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.

Ông Thanh cũng băn khoăn dự thảo luật chưa làm rõ, phân tách ra được vấn đề xây dựng căn hộ chung cư trên đất giao sử dụng vĩnh viễn và đất giao có thời hạn. Tương ứng với đó là quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu căn hộ chung cư thế nào?

“Căn hộ có thời hạn thì giá sẽ rẻ hơn, căn hộ vĩnh viễn giá cao hơn, vẫn có thể có hai lựa chọn. Tâm lý của người dân vẫn thích quyền sở hữu, vừa là tài sản vừa là chỗ ở. Nếu chỉ quy định sở hữu chung cư có thời hạn sẽ vướng” - ông Thanh nói.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận quá trình thảo luận, các ý kiến cơ bản đề nghị không quy định thời hạn sở hữu căn hộ chung cư.

Tuy nhiên, dự thảo cần quy định cụ thể về việc Nhà nước có quyền quyết định và có trách nhiệm tổ chức thực hiện di dời, phá dỡ, cải tạo căn hộ chung cư không còn an toàn vì mục đích bảo đảm sức khỏe, tính mạng, tài sản cho người dân.

Nếu tiếp tục bảo lưu quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ trình hai phương án, nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án làm cơ sở để đại biểu Quốc hội thảo luận, lựa chọn phương án tốt nhất.•

Sẽ rà soát để đảm bảo quyền lợi của người dân

Giải trình tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định mục đích Chính phủ trình phương án sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân khi công trình mất an toàn, không đảm bảo điều kiện sử dụng.

Ông Nghị cho rằng đề xuất này xuất phát từ thực tế cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội, TP.HCM đang vướng mắc. “Dự thảo quy định quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ, chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt” - ông Nghị nói thêm.

Trước nhiều ý kiến không đồng tình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay ban soạn thảo sẽ rà soát, quy định rõ hơn để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và mục tiêu cải tạo chung cư cũ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm