Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Điều 5 về người sử dụng đất (SDĐ) quy định theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình SDĐ. Cụ thể, nếu dự thảo luật được thông qua và có hiệu lực, Nhà nước sẽ không còn giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhận chuyển QSDĐ cho hộ gia đình nữa.
Về đề xuất trên của dự thảo, nhiều chuyên gia cho đồng tình vì cho rằng quy định về hộ gia đình sử dụng đất ở thời điểm hiện nay không còn phù hợp nữa. PLO xin giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia dưới đây:
ThS NGÔ GIA HOÀNG, Trường ĐH Luật TP.HCM:
Nên quy định rõ ràng
|
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “Hộ gia đình SDĐ gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có QSDĐ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành”.
Có thể thấy, định nghĩa của dự thảo gần như giữ nguyên khái niệm hộ gia đình SDĐ trong Luật Đất đai năm 2013, chỉ lược bớt điều kiện “đang sống chung”. Tuy nhiên, việc quy định như vậy là không đi vào bản chất QSDĐ của hộ gia đình mà lại định nghĩa theo hướng liệt kê các điều kiện để xác định thành viên hộ gia đình.
Về việc không tiếp tục ghi nhận chủ thể SDĐ là hộ gia đình trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng là phù hợp. Hộ gia đình SDĐ chỉ “xuất hiện trong thời gian ngắn ở một số vùng và địa phương khi mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp không còn tồn tại. Hợp tác xã giao khoán đất cho hộ gia đình xã viên theo bình quân nhân khẩu, trên cơ sở đó công nhận QSDĐ của hộ gia đình hoặc một số địa phương có chính sách giãn dân trên cơ sở giao đất ở cho hộ gia đình theo nhân khẩu”. Vì vậy, đến nay hầu như ít có ai xác lập QSDĐ với tư cách của hộ gia đình – một chủ thể được định nghĩa khá mơ hồ, khó xác định quyền giữa các thành viên theo Luật Đất đai.
Tuy nhiên, quy định tại dự thảo đang theo kiểu “nửa muốn bỏ, nửa không”. Vì vậy, nên có một điều luật rõ ràng khẳng định Nhà nước sẽ không còn giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ, nhận chuyển QSDĐ cho hộ gia đình từ sau Luật này có hiệu lực. Đồng thời, có quy định mang tính chuyển tiếp, cho phép các hộ gia đình đang tồn tại được quyền thay đổi tư cách chủ thể từ hộ gia đình sang đất cấp cho nhóm người SDĐ để từng bước bỏ chủ thể này khỏi quy định của Luật Đất đai.
TS NGUYỄN XUÂN QUANG & TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trưởng khoa & Phó Trưởng khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM:
Không còn là chủ thể của quan hệ dân sự
Thực tiễn việc áp dụng quy định về hộ gia đình SDĐ hiện nay đã bộc lộ một số hạn chế.
Một là, việc xác định thành viên hộ gia đình SDĐ còn gặp khó khăn do luật quy định chưa đầy đủ, cụ thể. Theo khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013, việc xác định thành viên hộ gia đình SDĐ là cùng chung sống tại thời điểm được Nhà nước cấp GCN QSDĐ. Tuy nhiên, nếu như sau đó “tại thời điểm hộ gia đình thực hiện giao dịch đối với QSDĐ trên cho người khác thì số thành viên cũ tại thời điểm cấp GCN có nhiều thành viên không cùng chung sống nữa đã làm cản trở đối với giao dịch chuyển QSDĐ của hộ”. Vì thế, các giao dịch đối với tài sản chung của hộ có khả năng vô hiệu nếu không xác định đủ thành viên trong hộ có QSDĐ.
Mặt khác, việc xác định những thành viên hộ gia đình SDĐ còn gặp nhiều khó khăn như hộ gia đình không cung cấp đầy đủ thành viên, bỏ sót những thành viên khác trong việc chứng nhận của cơ quan, tổ chức công chứng khi chứng nhận giao dịch; việc giải quyết các tranh chấp về tài sản chung tại tòa án. Hộ gia đình SDĐ vừa trùng khớp, vừa khác với thành viên trong hộ gia đình trong sổ hộ khẩu. Hộ gia đình SDĐ là chủ thể tham gia các giao dịch có thể không đồng nghĩa hoàn toàn với hộ gia đình ghi trong sổ hộ khẩu gia đình với mục đích quản lý nhân khẩu thường trú. Hơn nữa, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ khẩu thường xuyên có biến động do cắt, tách, xóa, nhập hộ, thậm chí có trường hợp nhập nhờ hộ khẩu.
|
TS Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: YẾN CHÂU |
Trong thời gian qua, khi cấp GCN QSDĐ, các cơ quan nhà nước đều ghi cấp cho hộ ông (hoặc bà) cho tất cả các trường hợp (kể cả cấp cho cá nhân hoặc cấp cho vợ, chồng) nên khó khăn trong việc xác định đây là tài sản của vợ chồng hay của hộ gia đình. Đây cũng là một trong các nguyên nhân làm việc việc xác định QSDĐ là loại tài sản có giá trị lớn, đảm bảo cho các giao dịch trong QSDĐ của hộ gia đình càng thêm phức tạp. Trong các loại tài sản, đời sống xã hội nhưng khi phát sinh tranh chấp, trong đó có tranh chấp về quyền sở hữu chung đối với QSDĐ trở nên gay gắt, kéo dài.
Hai là, việc xử lý QSDĐ là tài sản chung của hộ gia đình. Theo Điều 74 Luật Thi hành án dân sự (Luật THADS) năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2022, trường hợp chưa xác định được phần QSDĐ của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với QSDĐ biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Thực tế, khi chấp hành viên thực hiện việc xác định, phân chia phần QSDĐ cho các thành viên của hộ gia đình và thông báo cho họ biết nhưng không ai có ý kiến. Đến khi cơ quan thi hành án dân sự xử lý xong tài sản (đấu giá thành tài sản) thì có khiếu nại hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Với những trường hợp này, thường là quá trình lâu dài, phức tạp.
Ba là, hộ gia đình không còn quy định trong BLDS 2015. Khoản 2 Điều 101 BLDS năm 2015 quy định: “Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình SDĐ được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai”. Với quy định này, hộ gia đình SDĐ không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự.
Do đó, việc bỏ chủ thể hộ gia đình SDĐ là phù hợp. Thay vào đó, chủ thể sử dụng đất nên được thể hiện rõ trong Giấy chứng nhận QSDĐ thông qua việc ghi tên cụ thể trên giấy. Quy định như vậy không chỉ tương đồng với BLDS 2015 về chủ thể mà còn giúp xác định rõ ràng người có QSDĐ, tòa án thuận lợi trong việc giải quyết tranh chấp, cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên dễ dàng kê biên, xử lý QSDĐ để thi hành án dân sự.