Sau khi Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH vừa gửi Chính phủ dự thảo báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu và giải trình một số nội dung trong dự luật. Trong đó, khẳng định sẽ tham vấn rộng rãi công chúng hơn về việc “siết” nhận BHXH một lần.
Phương án nào cũng cóưu, nhược điểm
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án đối với quy định nhận BHXH một lần. Phương án 1 được chia làm hai nhóm. Nhóm 1, người lao động (NLĐ) đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, chưa đóng đủ 20 năm BHXH và có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Quy định nhận BHXH một lần sẽ được nghiên cứu nhằm đảm bảo quyền lợi của |
Nhóm 2, NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ khi dự luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-1-2025) chỉ được nhận BHXH một lần khi đủ tuổi nghỉ hưu và chưa đóng đủ 15 năm BHXH. Trừ các trường hợp ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Trong số hơn 4,8 triệu người rút BHXH một lần giai đoạn 2016-2022, chỉ có 1,3 triệu người quay lại hệ thống BHXH (khoảng 30%), 70% không quay lại. Sáu tháng đầu năm 2023, số người rút một lần là 665.000 người.
(Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH)
Phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào hai quỹ Hưu trí, Tử tuất.
Thẩm tra Luật BHXH (sửa đổi) mới đây, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết hai phương án trên nhận được năm loại ý kiến. Ý kiến đồng ý với phương án 1 cho rằng dự luật có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng quyền lợi, tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Quy định này cũng không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới người tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực thi hành…
Ý kiến ủng hộ phương án 2 lại cho rằng sẽ giúp NLĐ có thêm chi phí để giải quyết những khó khăn trước mắt nhưng vẫn còn số tiền dư ở quỹ để có cơ hội tham gia đóng tiếp nhằm hưởng lương hưu. Quan trọng nhất, thời gian ở lại quỹ họ vẫn tiếp tục được hưởng BHYT, trợ cấp hằng tháng. Phương án này bảo đảm nguyên tắc và cơ hội liên kết giữa các tầng hưu trí, Quỹ BHXH được duy trì ở trạng thái an toàn.
Tuy nhiên, có ý kiến không đồng ý cả hai phương án trên vì cho rằng phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, tiềm ẩn mất ổn định xã hội, tạo làn sóng rút BHXH một lần. Còn phương án 2 cho rút 50% không hợp lý, vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH là tiền của NLĐ. Cạnh đó cũng chưa giải thích tại sao lại đưa ra tỉ lệ 50%.
Ngoài ra, còn ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu tách Quỹ Hưu trí bắt buộc thành hai phần, phần bắt buộc đóng BHXH mức sàn để bảo đảm an sinh xã hội và phần còn lại đóng từ tổng thu nhập. NLĐ không có quyền rút phần bắt buộc, chỉ được rút phần còn lại…
Vấn đề phức tạp, cần nghe ý kiến NLĐ
Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, NLĐ.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác, đánh giá toàn diện hơn. Từ đó, đưa ra phương án theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của NLĐ tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ của BHXH.
Tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra trong đánh giá tác động. Cân nhắc kỹ lưỡng và bao quát các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về BHXH một lần.
Thêm vào đó sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và chính quyền các địa phương để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, đặc biệt là quy định về BHXH một lần.
“Bộ cũng sẽ tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án sửa đổi, bổ sung theo dự thảo luật…” - Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Chưa bổ sung chế độ trợ cấp gia đình, trẻ em
Liên quan đến đề nghị của đại biểu về nghiên cứu chế độ trợ cấp gia đình và trẻ em với người tham gia bảo hiểm để hạn chế rút BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng đã đề xuất nội dung này. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, thảo luận, Chính phủ quyết định chưa bổ sung.
Nguyên nhân là việc thêm chế độ mới thì phải có nguồn kinh phí đảm bảo. Trong khi đó, nếu dùng tiền từ Quỹ BHXH thì phải tăng tỉ lệ đóng của NLĐ, người sử dụng lao động, điều này không phù hợp khi tỉ lệ đóng đã khá cao và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Trường hợp dùng tiền từ ngân sách nhà nước thì chưa thể cân đối được.
Nếu điều chỉnh từ các quỹ ngắn hạn khác thì càng không phù hợp, bởi trong quá trình xác định tỉ lệ đóng của các quỹ ngắn hạn đều đã tính toán đến việc cân đối quỹ. Một số quỹ ngắn hạn hiện còn kết dư lớn là do chưa thực hiện đầy đủ chính sách đã quy định.