Tết Sài Gòn xưa là ngày hội bắt đầu năm mới nhưng không khí Tết thực sự được khởi động từ ngày đưa ông Táo về trời 23 tháng Chạp. Đường phố được treo đèn lồng làm bằng tre và giấy màu, cờ ngũ sắc. Những vị trí quan trọng đều có cổng chào thiết kế đẹp mắt với lá dừa, bông dừa, bông đủng đỉnh, trái cau hoặc bông lúa, hoa cỏ, cờ phướn, câu đối, dây pháo… Sau 23 tháng Chạp, người dân bắt tay vào việc thăm, sửa sang phần mộ của ông bà, tổ tiên. Khi làm cỏ, sửa sang xong một cái mả, người ta đánh dấu bằng một cục đá hoặc hòn đất, đặt lên tờ giấy vàng bạc ở nấm mả để biết mả đã có chủ. Sau ngày 25, nếu thấy ở khu vực ấy còn mả chưa đánh dấu, tức mả vô chủ thì người ta huy động người trong nhà đến đốt nhang, làm cỏ, cốt không để một mả nào “hoang vắng, lạnh lùng” trong những ngày Tết.
Không khí Tết Sài Gòn xưa tưng bừng nhất phải nói đến chợ hoa Nguyễn Huệ. “Tiền thân” của đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay là kênh đào Charner, nối liền với sông Sài Gòn. Đoạn kênh đào kéo dài từ trụ sở UBND TP ra đến bến Bạch Đằng. Mỗi dịp cận Tết, hoa từ các vực ở miền Tây Nam bộ theo những đoàn tàu kéo về tập kết trên bến dưới thuyền nơi đây. Cho đến sau khi người Pháp lấp kênh đào Charner để làm thành đại lộ Nguyễn Huệ, chợ hoa vẫn tồn tại mỗi dịp Tết đến xuân về và sau này được dời thêm ra Công viên 23-9 chỉ để hình thành đường hoa.
Tết ở Sài Gòn xưa còn là dịp để các chợ Tết hình thành, các trò chơi dân gian, kể cả các trò chơi thử vận may như “bầu cua tôm cá” được phép tổ chức. Những điểm “ca nhạc hội” hình thành tại chợ Tết cũng như những con đường lớn thu hút bà con từ miền Đông, miền Tây về thưởng ngoạn.
Những năm sau ngày thống nhất, người TP cũng vẫn giữ không khí Tết xưa bằng các hình thức trang trí đường phố lộng lẫy mỗi độ xuân về. Có điều vật liệu làm cổng chào trang trí được thay thế bằng hoa nhựa, bong bóng đa sắc, mousse, đèn néon nhiều màu… Đặc biệt, những năm gần đây, khi công nghệ đèn laser điều khiển bằng các con chip lập trình sẵn thì việc đánh sáng trở nên rẻ và phổ biến, việc trang trí đường phố đón xuân và cả đường hoa, đường sách đều khai thác vật liệu này.
Các trục đường lớn như Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Tôn Đức Thắng, công viên nhà thờ Đức Bà, vòng xoay Quách Thị Trang… mỗi năm đều được trang trí sáng tạo và lộng lẫy. Những nỗ lực làm đẹp đường phố và tạo ra những công trình nghệ thuật công phu, đặc biệt là đường hoa - phố đi bộ Nguyễn Huệ đã thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm mỗi năm. Điều đáng quý hơn, những tác phẩm trang trí không gian công cộng ấy đã góp phần tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần kết nối cộng đồng trong sợi dây tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gắn bó với cội nguồn.
Người TP có truyền thống yêu tự do, chấp nhận cái mới, cởi mở, hào phóng, sẵn sàng đón nhận những yếu tố lạ nhưng luôn biết giữ mình… Đằng sau những đường hoa, những công trình nghệ thuật đón Tết với chất liệu hiện đại là tinh thần đoàn kết, là việc giữ gìn những giá trị cổ truyền, truyền thống văn hóa của cha ông trong giai đoạn hội nhập, mở cửa hôm nay.