Nhìn lại một năm 'nắng lửa mưa dầu' 2024

(PLO)- Trái đất năm 2024 đối mặt hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, báo hiệu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu lên hành tinh chúng ta.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2024, thế giới chứng kiến loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng hàng triệu người trên khắp 5 châu lục. Từ đông sang tây, các hiện tượng hạn hán, bão lũ xảy ra với tần suất thường xuyên hơn so với trước đây, thậm chí diễn ra trái mùa với cường độ mạnh bất thường.

Dưới đây là những hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan đáng chú ý trong năm qua.

Năm nóng nhất từng được ghi nhận

Tháng 12, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu (C3S) cho biết theo dữ liệu được ghi nhận từ tháng 1 đến tháng 11-2024 thì năm 2024 hiện chắc chắn là năm nóng nhất được ghi nhận và là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900.

Giật mình nhìn lại loạt hiện tượng thời tiết cực đoan 2024
Trẻ em tắm giải nhiệt tại Manila (Philippines) vào tháng 4 giữa hiện tượng thời tiết nắng nóng. Ảnh: REUTERS

Từ tháng 1 đến tháng 11-2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao hơn 0,72 độ C so với mức trung bình từ năm 1991 đến năm 2020. Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong giai đoạn này và ấm hơn 0,14 độ C so với cùng kỳ năm 2023.

Năm nóng nhất trước đó được ghi nhận là năm 2023.

Tháng 11-2024 cũng được xếp hạng là tháng 11 có nhiệt độ cao thứ hai được ghi nhận sau tháng 11-2023.

"Chúng ta vẫn đang ở gần mức cao kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu và điều đó có khả năng sẽ duy trì ít nhất trong vài tháng tới" – nhà nghiên cứu khí hậu Julien Nicolas trả lời hãng tin Reuters.

Trong năm nay, nắng nóng kỷ lục cũng xảy ra tại khu vực Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á. Theo trang tin Axios, Trung Quốc (TQ), Nhật, Lào, Myanmar ghi nhận nhiều mức nhiệt cao kỷ lục. Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ cũng chứng kiến mức nhiệt cực đoan với nhiều địa điểm có nhiệt độ vượt quá 46 độ C vào ban ngày.

Hạn hán, cháy rừng từ nắng nóng

Nắng nóng dẫn đến hạn hán, cháy rừng tại nhiều khu vực.

Trong tháng 8 và tháng 9, một đợt hạn hán lớn hoành hành ở Nam Mỹ, làm khô cạn các con sông và làm tăng nguy cơ bị cháy rừng. Gần 60% diện tích Brazil bị ảnh hưởng. Ngay cả vùng đất ngập nước nhiệt đới lớn nhất thế giới như Pantanal (Brazil) cũng âm ỉ cháy.

Ngoài ra, hơn 20.000 vụ cháy rừng đã xảy ra trên khắp rừng Amazon trong 2 tuần đầu tiên của tháng 9. Điều này khiến Tòa án Tối cao Brazil phải ra lệnh cho chính phủ hành động.

Ecuador cũng đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 60 năm. Tại Peru, chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số khu vực bị cháy rừng ảnh hưởng.

hien-tuong-thoi-tiet-cuc-doan-1-1634.jpg
Cháy ruộng mía ở thành phố Dumon (Brazil) vào tháng 8 giữa hiện tượng thời tiết nắng nóng. Ảnh: REUTERS

Tại châu Âu, Hy Lạp ghi nhận loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng, thậm chí có thời điểm các đám cháy tiến đến gần thủ đô Athens. Các vụ cháy nghiêm trọng đến mức Hy Lạp phải kêu gọi Liên minh Châu Âu kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự.

Bão quét từ đông sang tây

Các siêu bão liên tục nối tiếp nhau xuất hiện trong năm qua. Tại Nhật, chính quyền đã phải phát cảnh báo khẩn cấp cấp độ 5 – mức cao nhất hiếm khi được đưa ra – vào ngày 29-8 khi siêu bão Shanshan quét qua đảo Kyushu ở phía nam nước này, theo Reuters.

Tại Philippines, nơi thường xuyên hứng chịu các cơn bão nhiệt đới, đã trải qua một năm thiệt hại nặng nề. Bão Yagi, Trà Mi và hàng loạt cơn bão khác đã quét qua nhiều khu vực của Philippines, gây thiệt hại nặng cho quốc đảo này. Riêng bão Yagi gây ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu người ở nước này, buộc khoảng 89.000 người phải sơ tán.

Bão Yagi cũng gây ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc, Việt Nam. Theo đài CCTV, bão Yagi khi đổ bộ vào lãnh thổ Trung Quốc có sức gió hơn 230 km/giờ, khiến khoảng 460.000 người phải sơ tán.

Riêng tại Việt Nam, bão Yagi được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua trên đất liền. Bão khiến hơn 300 người thiệt mạng và gây thiệt hại nặng nề cơ sở hạ tầng và tài sản của người dân những nơi bão đi qua.

bseswzuw35mddgisqfl5bqwuim-507.jpg
Bão Milton đổ bộ vào bang Florida (Mỹ) vào tháng 10, minh chứng cho hiện tượng thời tiết diễn biến thất thường. Ảnh: REUTERS

Tại Mỹ, trong chưa đầy 2 tuần cuối tháng 9, đầu tháng 10, Mỹ đã phải đối mặt 2 cơn bão cực mạnh càn quét qua, để lại những thiệt hại khủng khiếp về người và của. Bão Helene làm hơn 200 người thiệt mạng và có thể là một trong những thảm họa thời tiết gây thiệt hại nặng nhất tại Mỹ từ năm 1980. Trong khi đó, theo Đại học Havard, bão Milton gây thiệt hại ước tính 50 tỉ USD và cướp đi sinh mạng của ít nhất 14 người.

Băng tiếp tục tan

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế về sông băng Thwaites (ITGC) hôm 19-9, việc sông băng Thwaites ở Nam Cực tan chảy nhanh chóng đang có nguy cơ làm mực nước biển dâng cao, gây thảm họa quy mô toàn cầu, theo đài CNN.

Sông băng Thwaites – thường được mệnh danh là “Sông băng Ngày tận thế” – có diện tích tương đương bang Florida của Mỹ và là một dòng sông băng rất dễ bị tổn thương ở Nam Cực do vị trí địa lý của nó.

241209-arctic-aa-1223-8e3271-5694.jpg
Băng tại Greenland vào tháng 7. Ảnh: GETTY IMAGES

Tại châu Âu, các sông băng tại Thụy Sĩ đã tan nhanh hơn mức trung bình. Theo thống kê, các sông băng Thụy Sĩ đã mất 2,5% thể tích trong năm nay, cao hơn mức trung bình của thập niên qua.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, Bắc Cực vừa trải qua năm nóng thứ hai trong lịch sử. Điều đáng lo ngại là lớp băng vĩnh cửu tại đây bắt đầu tan chảy, giải phóng carbon dioxide và methane vào khí quyển, làm trầm trọng hơn hiện tượng nóng lên toàn cầu và có thể làm gia tăng các hiện tượng thời tiết bất thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm