Đó là lưu ý của BS tâm lý Hoàng Dương, công tác tại khoa Tâm lý của BV Nhi đồng 1 tại tọa đàm “Đồng hành cùng trẻ tự kỷ đến trường” do Trung tâm ATC-TP.HCM tổ chức sáng 25-5.
Theo BS Dương, ngay từ tháng thứ 6, phụ huynh có thể nhận biết các dấu hiệu tự kỷ của trẻ để có thể biết sớm như không giao tiếp bằng mắt, trẻ quá ngoan hoặc quá nóng giận, hờ hững hoặc quá nhạy với tiếng động, chậm bập bẹ, thích chơi với bàn tay, không bắt chước… Đáng lưu ý, BS Dương cũng cảnh báo năm dấu hiệu báo động đỏ mà phụ huynh cần quan tâm gồm: Trẻ không bập bẹ và không có điệu bộ (chỉ bằng ngón tay, vẫy, nắm) lúc 12 tháng tuổi, không nói được từ đơn khi 16 tháng tuổi, 24 tháng tuổi không nói được câu gồm hai từ, mất ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội ở bất kỳ tuổi nào. Từ đó, phụ huynh có thể theo dõi, đưa trẻ đến bệnh viện hoặc trung tâm chuyên biệt để được can thiệp sớm và có chương trình hòa nhập.
Tuy nhiên, BS Dương khuyến cáo nhiều người hiện nay còn chủ quan và nhập nhằng giữa tự kỷ và một số triệu chứng khác trong tâm lý. Chính việc thiếu hiểu biết và kinh nghiệm làm cha mẹ, dành ít thời gian quan tâm đến con nên không nhận ra được những bất thường của con khiến tình trạng của con phức tạp và chậm được can thiệp.
Đồng tình với vấn đề này, luật gia Võ Thị Minh Huệ, chuyên gia tâm lý, cũng cho rằng cha mẹ cần mạnh dạn đối diện và có những động thái can thiệp ban đầu đối với con. Không nên mặc cảm, tách con ra khỏi cộng đồng vì khủng hoảng của người lớn.
Cô Võ Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí, quận Bình Thạnh, cũng chia sẻ hiện trường đang chăm sóc cho 160 trẻ thuộc nhiều dạng tự kỷ khác nhau. Mỗi dạng tự kỷ sẽ có giáo trình, phương pháp can thiệp khác nhau, can thiệp càng sớm càng tốt, trễ lắm cũng nên không quá năm tuổi và phải “chiến đấu” đường dài. Tuy nhiên, không ít phụ huynh đưa con đến trường trễ vì mất nhiều thời gian chạy chữa khắp nơi, nghe ai nói ở đâu cũng đi, nào là nhờ thầy cúng, dùng nhân điện, bùa ngải, lên những trang web lừa gạt...
“Có phụ huynh đưa con ra nước ngoài chữa trị bằng tiếng nước ngoài trong khi con đang gặp khó khăn trong giao tiếp tiếng Việt. Có người nuôi con đến ba tuổi mà con không nói được từ nào mới gửi vào trường, gửi được vài ngày đã bắt bé phải nói được vài từ gì đó. Chính cách làm của phụ huynh vô tình tạo áp lực không đáng có lên đứa trẻ, gây khó khăn cho nhà trường. Rối loạn này chỉ can thiệp từ từ, một cách kiên trì bằng phương pháp chơi là chính, dùng tâm vận động, vật lý trị liệu… mới có thể cải thiện dần những khiếm khuyết và giúp trẻ hòa nhập với cuộc sống” - cô Thùy cho hay.
PHẠM ANH