Một trưa nắng gắt cuối tháng 4, một người cha 56 tuổi từ Trị An (Đồng Nai) đến tìm gặp PV để trình bày nỗi khổ bị các con “khai tử” rồi bán mất nhà.
Cố tình “khai tử” cha để bán nhà?
Người cha ấy là ông Nguyễn Văn Quang, có căn nhà ở đường Nguyễn Kim, phường 6, quận 10 (TP.HCM) - căn nhà các con ông đã bán. Ông kể mình kết hôn rồi lần lượt có năm người con gái, lớn nhất sinh năm 1980, nhỏ nhất sinh năm 1995. Một tháng sau khi con gái út ra đời, vợ ông mất. Ông chăm lo cho các con, đến năm 1999 thì phần nghe lời bạn bè rủ rê, phần do làm ăn thất bại nên về Kiên Giang nuôi tôm, để các con ở lại nhà.
Khoảng hai tháng sau, ông về thăm con thì biết đã bị các con cắt hộ khẩu. Ông đã tìm mọi cách vào nhà, từ đập cửa, canh các con xuất hiện để gặp đều không được. “Có lần gặp con tụi nó còn hỏi cha “Ông lên đây chi vậy?”. Rồi có lần cảnh sát khu vực còn đến làm việc với tôi, nói tôi quấy rối”.
Không biết làm sao, ông phải ngủ bờ ngủ bụi, sống nhờ bát cơm, chén canh của người dưng cho. Chịu đựng được vài tháng, ông đành quay về nương tựa người em gái nghèo ở quê. Đôi lần nhớ con, ông gọi điện thoại về nhưng sau khi bắt máy, nhận ra tiếng cha là con ông dập ngay.
Ông Quang đang kể lại câu chuyện mình bị “khai tử”. Ảnh: H.YẾN
Đến năm 2012, qua lời hàng xóm ông mới biết căn nhà của vợ chồng ông đã được bán cho chủ mới. Tìm hiểu, ông được biết vào năm 2009, con gái lớn của ông đã nộp đơn ra TAND quận 10 yêu cầu tuyên bố ông đã chết. Sau đó TAND quận 10 đã ra quyết định tuyên bố ông đã chết. Theo tòa, sau khi vợ chết, năm 1996 ông đã bỏ nhà đi, cho đến nay không biết đi đâu. Gia đình đã tìm kiếm nhiều nơi nhưng không nhận được tin tức gì. Các con ông đã làm thủ tục thông báo nhắn tin tìm kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không thấy ông trở về. Nay các con ông yêu cầu tuyên bố ông đã chết là phù hợp với quy định của BLDS nên tòa chấp nhận.
Sau khi khai tử ông, các con khai di sản thừa kế và đã bán nhà đi đâu ở không rõ. “Từ đó đến nay, tôi phải ngược xuôi khiếu nại nhưng không ai giải quyết cả. Nay việc đến nỗi này, tôi cũng chỉ mong có số tiền nhỏ để sinh sống khỏi những ngày vất vả về già, có nhà có con mà cũng như không” - ông Quang nói.
Bỏ nhà đi vì chán vợ sinh toàn con gái?
Trao đổi với PV, đại diện Công an phường 6 (quận 10) cho biết chuyện không phải như lời của ông Quang kể.
Theo đại diện công an phường, nguồn gốc căn nhà trên là do gia đình vợ bỏ tiền mua cho vợ chồng ông Quang. Vì người vợ sinh toàn con gái nên ông Quang chán nản. Vợ ông buồn phiền trước sự dằn vặt của ông nên sau khi sinh được đứa con gái út thì bị bệnh mất. Ông Quang bỏ đi, để lại năm đứa con bơ vơ, một người dì đã phải đứng ra chăm lo, nuôi dưỡng các con ông. Theo tổ trưởng tổ dân phố nơi ông Quang ở, các con của ông may mắn còn có tình thương của dì nên giờ mới không hư hỏng.
Công an phường 6 khẳng định ông Quang bỏ nhà đi đâu không rõ, không ai liên lạc được. Khi tòa giải quyết yêu cầu tuyên bố ông đã chết, công an đã xác minh việc bỏ đi của ông Quang đúng thủ tục, trình tự pháp luật, có tìm hiểu thông qua tổ dân phố...
Tòa phải hủy quyết định tuyên bố chết
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM), trường hợp này rất khó truy cứu trách nhiệm hình sự các con của ông Quang bởi ông Quang nói như vậy nhưng công an địa phương lại có xác nhận khác. Do đó, việc mà ông Quang cần làm hiện nay là nộp đơn yêu cầu TAND quận 10 hủy quyết định tuyên bố ông đã chết. Theo khoản 1 Điều 83 BLDS, tòa sẽ phải đáp ứng yêu cầu của ông.
Sau khi tòa hủy quyết định tuyên bố ông Quang chết thì mọi quyền lợi của ông đối với căn nhà sẽ được phục hồi. Ở đây, người mua nhà hợp pháp, ngay tình nên không có trách nhiệm dân sự đối với ông Quang. Do đó, theo khoản 3 Điều 83 BLDS, các con của ông sẽ phải trả lại giá trị phần tài sản ông Quang được hưởng trong căn nhà đó. Cụ thể là một nửa giá trị căn nhà của ông với phần thừa kế của ông trong một nửa giá trị căn nhà mà người vợ để lại.
Hủy bỏ quyết định tuyên bố một người đã chết 1. Khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết. ... 3. Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn. Trong trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. (Trích Điều 83 BLDS) |
HOÀNG YẾN