Nhọc nhằn học nhờ vì trường lớp thiếu

Những ngày này, nhà văn hóa cũ của phường Tân Thành (quận Tân Phú, TP.HCM) đang được các giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Hoa Anh Đào gấp rút dọn dẹp, sửa sang, trang trí lại lớp học để chuẩn bị đón học sinh (HS) khai giảng năm học mới.

Ăn nhờ ở đậu

Sau ba tháng hè, cơ sở còn ngổn ngang, đầy bụi. Những mảng sơn tường, giấy dán bong tróc. Nếu như không có bảng hiệu bên ngoài thì không ai biết nơi đây là trường học, chính xác hơn là Phân hiệu 2 Trường Mầm non Hoa Anh Đào, sức chứa khoảng 200 trẻ năm tuổi nhằm giảm áp lực cho cơ sở chính.

“Trường” có bốn tầng, mỗi tầng có hai phòng học, tầng bốn là nơi sinh hoạt, hội họp. Cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay cơ sở này đã được mượn dùng làm trường học tạm nhưng đã kéo dài bốn năm nay. Thiết kế của “trường” theo kiểu nhà văn hóa để phục vụ sinh hoạt cộng đồng nên không phù hợp với trường mầm non, từ phòng ốc, cầu thang, nhà vệ sinh… Vì thế gần 200 cô trò ở đây gặp không ít vất vả trong giảng dạy và tổ chức sinh hoạt.

Cô Thủy ví dụ nhà vệ sinh cho lớp mầm non phải ở trong phòng học nhưng thiết kế của nhà văn hóa lại ở bên ngoài nên mỗi lần trò đi vệ sinh là cô phải đi cùng. “Trường” nằm sát mặt đường và gói gọn trong bốn tầng lầu nên không có sân để trẻ vui chơi, vận động. Cô và trò lên xuống lớp học vất vả. Giáo viên phải giám sát thường xuyên trò khi lên xuống cầu thang. Bếp ăn được đặt ở cơ sở chính, đến bữa có xe mang đến. Mỗi lần mang thức ăn lên các tầng trên rất bất tiện nên các cô có sáng kiến dùng dây thòng bên hông trường để kéo thức ăn lên.

Tuy nhiên, theo cô Thủy, khổ nhất là khối nhà được thiết kế khép kín khiến bên trong bị bức bí và nóng, vào mùa nắng là cô trò toát mồ hôi.

Tham quan trường, chúng tôi không khỏi ái ngại cho cảnh ăn nhờ ở đậu của các cô trò nơi đây. “Cứ vào dịp này, từ ban giám hiệu đến giáo viên, nhân viên tập trung xắn tay áo làm, ai biết gì làm nấy, trang trí, dọn dẹp để cho “trường ra trường, lớp ra lớp”” - cô Thủy cười. Vâng, trong hoàn cảnh này hãy cười để vượt qua khó khăn.

Trường Mầm non Hoa Anh Đào (quận Tân Phú, TP.HCM) phải mượn tạm nhà văn hóa phường Tân Thành để làm chỗ học từ bốn năm nay. Ảnh: P.ANH

Trường Tiểu học An Hội (phường 8, quận Gò Vấp) luôn quá tải nên phải mượn bốn phòng học của Trường THCS Tân Sơn (quận Gò Vấp). Ảnh: P.ANH

“Trần ai khoai củ” chuyện học nhờ

Trường Mầm non Hoa Anh Đào không phải là trường mầm non duy nhất mà HS phải đi học nhờ ở quận Tân Phú. Để đảm bảo chỗ học và thực hiện phổ cập cho trẻ năm tuổi, hai trường mầm non khác là Rạng Đông và Bông Sen cũng phải mượn tạm hai nhà văn hóa của các phường Tân Quý và Phú Thọ Hòa.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Tân Phú, vì vướng giải tỏa, thiếu vốn... nên năm học này quận không có thêm trường học nào mới. Trong khi đó HS tăng hàng ngàn em, buộc các trường phải tính toán về sĩ số, kéo giảm lớp bán trú, “hy sinh” chuẩn trường lớp để HS có đủ chỗ học.

Tình trạng HS đi học nhờ cũng diễn ra tại quận Bình Tân. Do năm nay quận tăng thêm gần 13.000 HS khiến các trường phải tận dụng hết các phòng chức năng, giảm tỉ lệ học hai buổi/ngày, thư viện... bị co hẹp mà vẫn chưa đáp ứng chỗ học.

Ông Phạm Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho hay với bậc mầm non, toàn quận chỉ có một nửa trẻ trên một tuổi được ra lớp. Với bậc tiểu học cũng luôn trong tình trạng quá tải. Không ít HS phải học nhờ ở phường khác với cự ly cách 4 km. Như phường Bình Trị Đông A có 724 trẻ vào lớp 1 nhưng trường tiểu học duy nhất trong phường chỉ nhận 300 trẻ, số còn lại buộc phải qua phường khác học nhờ.

Tương tự, phường Bình Hưng Hòa A phải gửi 510 trẻ, Bình Trị Đông B gửi 60 trẻ.

Với bậc THCS cũng vậy. Đáng lưu ý là phường Bình Hưng Hòa A có trên 160.000 dân nhưng chỉ có một trường THCS nên tất cả HS phải học một buổi/ngày. Phường Bình Trị Đông B không có trường THCS nên HS buộc phải học nhờ ở các phường lân cận.

“Năm học mới, quận đưa vào sử dụng hai trường mầm non là Mầm non 30-4 và Bình Trị Đông, giải quyết thêm 630 chỗ học. Dự kiến đầu học kỳ 2 năm học này, quận sẽ đưa vào sử dụng thêm 12 công trình, đáp ứng hơn 6.000 HS. Đây chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài với tốc độ tăng dân số cao như vậy thì việc đảm bảo chỗ học sẽ còn rất khó khăn” - ông Mười nói.

Tiếp tục học nhờ, học tạm

Tại quận Gò Vấp còn phường 12 chưa có trường mầm non và tiểu học công lập từ nhiều năm nay. Theo đó, số trẻ trên địa bàn phường này buộc phải phân tuyến vào học nhờ một số trường mầm non ở phường 8, 9 và 14. Còn lại phụ huynh phải gửi con vào trường tư và nhóm trẻ gia đình.

Trường Tiểu học An Hội (phường 8, Gò Vấp), ngôi trường lâu nay nổi tiếng vì có số HS, số lớp học cao nhất cả nước (hơn 90 lớp với hơn 4.100 HS). Năm nay HS vào lớp 1 hơn 500 HS, giảm một nửa so với mọi năm nhưng áp lực về sĩ số vẫn chưa kéo giảm được.

Thầy Võ Minh Thông, Quyền Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường vẫn phải mượn bốn phòng học của Trường THCS Tân Sơn (phường 12) để HS học.

Một giáo viên trong trường cho hay vì quá đông HS nên chỉ có khoảng 2/3 HS được dự khai giảng. “Chỉ những em học giỏi, ngoan mới được dự khai giảng. Những em phải học nhờ trường bạn tất nhiên không được dự khai giảng. Có em đến ngày khai giảng cũng quần áo mới nhưng phải đứng ngoài cổng trường khóc. Thương lắm mà biết làm sao được, chỉ mong có thêm trường để các em được dự khai giảng như nhau thôi” - cô giáo này tâm sự.

Không để trường thiếu giáo viên, trẻ thiếu chỗ học

Việc tăng học sinh cơ học cao luôn là thách thức lớn của TP.HCM hằng năm. Tuy nhiên, chủ trương của TP là phải giải quyết đủ chỗ học cho con em người dân đang sinh sống tại TP, không phân biệt thường trú hay nhập cư. Dù khó khăn, các quận-huyện không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học cho HS, thiếu giáo viên giảng dạy. Tôi đề nghị các quận-huyện rà soát lại đất đai, mức độ tăng dân số, đội ngũ nhà giáo để có những kiến nghị, giải pháp kịp thời.

Ông LÊ HOÀNG QUÂN, Chủ tịch UBND TP.HCM

1,5 triệu là số HS từ mầm non đến THPT của TP.HCM vào năm học mới này, tăng hơn 85.000 HS so với năm học trước. Các quận-huyện tăng nhiều là Bình Tân tăng hơn 13.000 HS, Bình Chánh tăng hơn 11.000 HS, Tân Bình tăng hơn 2.300 HS, quận 7 tăng khoảng 2.000 em. Các quận-huyện còn lại tăng trung bình 1.000 đến 4.000 HS/quận-huyện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới