Những ai cần đi khám xơ phổi sau khi khỏi COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi đọc báo thấy có nhiều F0 sau khi khỏi bệnh bị xơ phổi, đến bệnh viện thì đã ở trong tình trạng nặng. Vậy sau mắc COVID-19 có buộc phải đi bệnh viện chụp phổi không? (Nguyễn Văn Phước, Hà Nội)

Trả lời: 

Thực tế tình trạng xơ phổi hậu COVID-19 là có, tuy nhiên nó không quá phổ biến và không phải ai sau mắc COVID-19 cũng bị xơ phổi. Do vậy bạn không phải quá lo lắng.

Xơ phổi có khả năng gặp ở những đối tượng như bệnh nặng, bệnh nhân cần nhập viện, suy hô hấp, thở máy, có can thiệp về hỗ trợ hô hấp, bệnh nhân bị viêm phổi hoặc ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển)...

TS-BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Nội Hô hấp Cơ xương khớp - Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tổn thương phổi sau COVID-19 rất đa dạng, không phải tất cả đều là xơ phổi. Có thể là viêm phổi tổ chức hóa, có thể là xơ phổi, có thể là giãn phế quản... Tùy mức độ nặng và mức độ đáp ứng của cơ thể mà dẫn đến xơ phổi hay không, nhưng tỉ lệ xơ phổi trong nhóm những bệnh nhân bị tổn thương phổi thường ít.

Là bác sĩ hô hấp tôi thường gặp những trường hợp xơ phổi, nhưng phần nhiều họ cũng sớm cải thiện, hồi phục. Nếu ai ở nhóm nguy cơ, tức là nhiễm COVID-19 nặng, phải nhập viện, thở máy, thở oxy kéo dài, có những can thiệp xâm lấn khác như ECMO, hội chứng ARDS... hoặc trước đó từng bị bệnh phổi nặng thì nên đi khám bác sĩ.

Khi khám, tùy tình trạng lâm sàng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định X-quang phổi, đa số chỉ định chụp là nhóm bệnh nhân nặng có tổn thương phổi. Thường sau khi xuất viện, bác sĩ sẽ dặn dò bệnh nhân nên kiểm tra gì, làm xét nghiệm nào.

Nếu chỉ mắc COVID-19 nhẹ, sau khi khỏi bệnh hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, không ảnh hưởng tới cuộc sống, lao động, không khó thở và kiểm tra SpO2 ổn thì không nhất thiết phải đi chụp X-quang phổi.

TS-BS LÊ THỊ THU HƯƠNG - Trưởng khoa Nội Hô hấp Cơ xương khớp - Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm