Những ai sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử?

(PLO)- Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử, trường hợp chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 59/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực từ 20-10 tới đây. Nghị định này quy định về các vấn đề liên quan danh tính điện tử, định danh điện tử và xác thực điện tử.

Theo đó, đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT) là người từ đủ 14 tuổi trở lên, trường hợp chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo TKĐDĐT của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Hiện có ba mức độ tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam. Ảnh: LÊ THOA

Hiện có ba mức độ tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam. Ảnh: LÊ THOA

Theo quy định hiện có ba mức độ TKĐDĐT của công dân Việt Nam.

Cụ thể, TKĐDĐT mức độ 1 của công dân Việt Nam gồm số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính. Nếu là người nước ngoài thì có thêm các thông tin về quốc tịch; thông tin về hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

TKĐDĐT mức độ 2 gồm những thông tin ở mức độ 1 và có thêm thông tin về sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay.

TKĐDĐT của tổ chức gồm mã định danh điện tử, tên tổ chức bằng tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có), tên tiếng nước ngoài (nếu có), ngày thành lập, địa chỉ trụ sở chính, số định danh hoặc số định danh của người nước ngoài, họ tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.

Trường hợp công dân đã có CCCD gắn chip và đăng ký TKĐDĐT mức độ 1 thì đăng ký qua ứng dụng VnelD.

Trường hợp công dân đăng ký TKĐDĐT mức độ 2 và đã có CCCD gắn chip thì đến công xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn. Với công dân chưa có CCCD gắn chíp thì cơ quan công an sẽ cấp TKĐDĐT mức độ 2 cùng với cấp CCCD. Đối với người nước ngoài thì đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an hoặc Công an cấp tỉnh làm thủ tục đăng ký.

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan công an có trách nhiệm giải quyết cấp TKĐDĐT trong thời hạn như sau:

+ Trường hợp công dân Việt Nam đã có CCCD gắn chíp: Không quá một ngày làm việc với trường hợp cấp TKĐDĐT mức độ 1, không quá ba ngày làm việc với trường hợp cấp TKĐDĐT mức độ 2. Nếu chưa có CCCD gắn chíp thì thời hạn là không quá bảy ngày làm việc.

+ Đối với người nước ngoài: Không quá một ngày làm việc với trường hợp cấp TKĐDĐT mức độ 1; không quá ba ngày làm việc với trường hợp cấp TKĐDĐT mức độ 2 đã có thông tin về ảnh chân dung, vân tay trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về xuất nhập cảnh. Không quá bảy ngày làm việc với trường hợp cấp TKĐDĐT mức độ 2 nhưng chưa có thông tin về ảnh chân dung, vân tay trong CSDLQG về xuất nhập cảnh.

+ Đối với tổ chức: Không quá một ngày làm việc với trường hợp thông tin cần xác thực về tổ chức đã có trong CSDLQG, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Không quá 15 ngày với trường hợp thông tin cần xác thực về tổ chức không có trong CSDLQG, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Về chi phí, chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp và chi phí sử dụng TKĐDĐT do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Còn tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ xác thực điện tử thanh toán chi phí cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm