Những bình luận của ông Trump liệu ảnh hưởng sao đến vai trò NATO?

(PLO)- Những bình luận của ông Trump về NATO có thể ảnh hưởng vai trò của liên minh quân sự này, gây chia rẽ giữa các nước thành viên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ The Wall Street Journal ví Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giống như một tờ tiền, vì giá trị của nó phụ thuộc vào niềm tin của mọi người đặt vào nó. Tuy nhiên, giờ đây, niềm tin đó đang có nguy cơ bị sứt mẻ vì các phát ngôn gần đây của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và các chính trị gia đồng minh với ông.

Hôm 10-2, ông Trump cảnh báo rằng ông sẽ cho phép Nga làm bất cứ điều gì họ muốn đối với các quốc gia thành viên NATO “không tuân thủ” việc dành 2% tổng thu nhập quốc nội cho quốc phòng.

Ông Trump từng mô tả các đồng minh NATO là những bên phụ thuộc quân đội Mỹ, theo hãng tin AP.

Những bình luận của ông Trump ảnh hưởng vai trò NATO ra sao?
Các phương tiện quân sự của Anh chuẩn bị tham gia cuộc tập trận của NATO vào tháng 2-2024. Ảnh: AFP

Giới quan sát cho rằng các cuộc xung đột hiện tại đặc biệt xung đột Nga-Ukraine có thể thúc đẩy các nước thành viên NATO tăng cường chi tiêu quân sự. Tuy nhiên, NATO không chỉ có quân đội và vũ khí. Sức mạnh của tổ chức này còn đến từ sự thống nhất mạnh mẽ giữa các thành viên.

Do đó, một số nhà quan sát cho rằng những bình luận của ông Trump về NATO đang gây nên sự chia rẽ, làm suy yếu khối quân sự này.

“Đối thủ của chúng ta đang chú ý đến khả năng răn đe của chúng ta. Chúng ta không nên làm suy yếu uy tín về khả năng răn đe của NATO” – Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo.

NATO quan trọng với Mỹ ra sao?

NATO được xem là liên minh quân sự hoạt động và được duy trì thành công nhất trong lịch sử loài người. Dân số các nước thành viên NATO chiếm 1/8 dân số thế giới. Theo The Wall Street Journal, chưa bao giờ có nhiều quốc gia lại cam kết bảo vệ lẫn nhau một cách nhất quán và lâu dài như vậy.

Thống nhất dưới chiếc ô an ninh của NATO, các nước láng giềng vốn từng bất đồng với nhau như Pháp và Đức đã trở thành đồng minh. Trong khi đó, NATO cũng là một phần lý do khiến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế những hành động quá khích.

NATO góp phần đưa châu Âu trải qua thời kỳ hòa bình tương đối dài, trở thành thị trường quan trọng cho các công ty Mỹ. Cho đến nay, châu Âu cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Mỹ.

Thông qua NATO, Mỹ đã góp phần bảo đảm an ninh châu Âu trong nhiều năm qua. Xét về phía Mỹ, nước này đã tiêu tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên, cái giá Mỹ phải trả về tiền bạc và nhân mạng vẫn thấp hơn nhiều so với việc can thiệp để chấm dứt hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX.

Nhận định về lợi ích Mỹ nhận được từ NATO, ông Stoltenberg nói: “Liên minh này mang lại cho Mỹ thứ mà Nga, Trung Quốc và các cường quốc khác còn thiếu. Và đó là hơn 30 người bạn và đồng minh”.

Những bình luận của ông Trump về NATO
Các nhà lãnh đạo thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm 2018. Ảnh: GETTY IMAGES

Phản ứng trái chiều sau bình luận của ông Trump về NATO

Thành công của NATO xuất phát từ niềm tin chắc chắn rằng Mỹ sẽ đến hỗ trợ cho các đồng minh của mình nếu trường hợp xung đột xảy ra. Điều 5 của Hiến chương NATO quy định rằng, một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên của tổ chức này sẽ được coi là cuộc tấn công chống lại tất cả thành viên NATO.

Tuy nhiên, ông Trump đang khiến cho niềm tin này bị lung lay. Theo The Wall Street Journal, những bình luận gần đây của ông Trump đã vượt quá giới hạn.

Bình luận về phát biểu hôm 10-2 của ông Trump, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời Tổng thống Barack Obama – ông Douglas Lute cho rằng: “Về bản chất, phương pháp trả tiền để được bảo vệ mà ông Trump đề ra là chính sách bảo hiểm trọn đời cho các thành viên. Giống như ông ấy nói: ‘Bạn phải trả phí bảo hiểm nếu không hợp đồng sẽ mất hiệu lực’”.

Ông Lute cho rằng bình luận trên giúp chiến dịch tranh cử của ông Trump gây được tiếng vang nhưng nó làm suy yếu vai trò của NATO.

Hôm 11-2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Bất kỳ ý kiến nào cho rằng các đồng minh không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu an ninh của chúng ta, bao gồm an ninh của Mỹ, khiến binh lính Mỹ và châu Âu gặp nguy hiểm cao hơn”.

Ngày 13-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng những bình luận của cựu Tổng thống Trump về điều kiện bảo vệ các đồng minh NATO là “nguy hiểm” và không theo quan điểm của Mỹ.

N5ILRNDBCVMADAQGWF5CJCROQQ.jpg
Một cuộc tập trận của NATO vào năm 2022. Ảnh: REUTERS

Theo đó, ông Biden cảnh báo rằng bình luận của ông Trump về NATO có thể làm suy giảm lòng tin các đối tác của Mỹ, theo AP.

“Cả thế giới đã nghe thấy điều đó. Ông ấy không hiểu rằng cam kết thiêng liêng mà chúng ta đưa ra cũng giúp ích cho chúng ta” – ông Biden nói.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cho biết họ đã chi nhiều hơn cho quốc phòng. Theo đó, hầu hết thành viên NATO ở châu Âu đang làm điều này.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu cũng kêu gọi các đối tác của họ ngừng chú ý những bình luận của ông Trump, thay vào đó tập trung vào việc xây dựng năng lực quốc phòng.

Tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) hôm 17-2, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết: “Tôi đã nghe những lời than vãn về ông Trump liên tục trong vài ngày qua. Chúng ta hãy ngừng làm điều đó”.

Tuy nhiên, theo cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) David Petraeus, về lâu dài, Mỹ sẽ cần phải tiếp tục là trụ cột không thể thiếu của NATO nếu liên minh này muốn tồn tại.

Theo ông Patraeus, Mỹ rất quan trọng, “vì mặc dù trên giấy tờ các nước châu Âu có thể tập hợp lực lượng và năng lực rất đáng kể, nhưng họ lại gặp phải các vấn đề về khả năng tương tác và hiệu quả". Ông Patraeus cho rằng nếu không có Mỹ, việc thể hiện năng lực răn đe của NATO “trở nên cực kỳ khó khăn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm