Anh Cảnh là kiểm lâm địa bàn các ấp có rừng tràm ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau. Anh vừa chở chúng tôi đi vào khu rừng tràm tàn tạ của các ấp từ 17 đến 20 vừa kể chuyện: “Không nhớ hết có bao nhiêu người dân đã bị khởi tố, bị tù tội vì phá khu rừng này nuôi tôm. Dân nghèo, vì mưu sinh mà tù tội, thật tội quá!”.
Trồng rừng theo cách “không cho nó sống”
Tuy nhiên, kể từ ba năm qua, sau vụ án phá rừng của ông Huỳnh Minh Hoàng ở xã, người dân nơi đây không còn ai bị tuyên án nữa. Không phải là do dân ngưng phá rừng mà bởi dân đã biết cách lách luật, nhờ rút kinh nghiệm từ thực tiễn những vụ án phá rừng đã qua ở xóm mình. “Bây giờ chỉ có dân tuyên án rừng, chứ tòa khó tuyên án dân lắm rồi” - một cựu binh ở ấp 19, xã Nguyễn Phích nói.
Anh Cảnh nói về tình hình khu rừng teo tóp: “Cánh rừng này là rừng sản xuất của các ấp 17, 18, 19 và 20, xã Nguyễn Phích. Nó được giao cho 497 hộ dân quản lý canh tác theo phương thức ba phần làm nông nghiệp, bảy phần trồng rừng sản xuất. Tính ra sau hơn 15 năm đã có 425 ha/1.202 ha rừng sản xuất bị dân lấn chiếm, phá rừng để nuôi tôm. 1/3 chứ ít gì!”.
Chẳng những vậy, hiện tại cánh rừng này đang tiếp tục bị dân làm cho tàn lụi dần, chưa có dấu hiệu dừng lại. Quan sát nhiều khu vực nơi đây, chúng tôi chứng kiến nhiều cây rừng mới bị đốn hạ, dấu vẫn còn mới nguyên, dù chưa được phép đốn. Nhưng nó được đốn một cách rải rác. Anh Cảnh lý giải rằng kiểm lâm phát hiện đến kiểm tra thì dân bảo đốn có một hai cây xài cho gia đình.
Một kiểu sát hại rừng khác là sau khi được phép khai thác tận thu rừng nghèo, dân trồng lại rừng nhưng trồng theo cách “không cho nó sống”. Nông dân tên Tâm lý giải: “Tôi cũng đã trồng rừng lại đúng quy định. Nhưng sẵn đào khuôn nên tôi rải vôi hạ phèn nuôi tôm. Sau đó cây chết hết”. Với hai cách đơn giản đó, tức mỗi ngày chặt một cây và trồng “không cho nó sống”, nông dân các ấp này đã thực sự “tuyên án tử” khu rừng của mình.
Một khoảnh rừng ở xã Nguyễn Phích đang bị phá tiếp để lấy đất nuôi tôm. Ảnh: TRẦN VŨ
Bí nước lại cho cây chết dần chết mòn
Ở phía khu rừng đước thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cũng đang bắt đầu xuất hiện tình trạng tương tự. Sau Tết nguyên đán 2018, kiểm lâm địa bàn đã phát hiện có ít nhất ba hộ dân đã làm cho cây rừng trong vuông tôm của mình chết đi để có chỗ trống mà nuôi tôm sú. Trong đó có cả một cán bộ xã Đất Mũi. Hai cách cơ bản mà dân khu vực này làm cho cây đước rừng chết là tước vỏ dưới gốc cây và bí nước lại, không cho nước lên xuống như tự nhiên để cho cây chết dần chết mòn.
Ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, hộ dân là cán bộ xã Đất Mũi đã phá xong mấy trăm cây đước lớn, nhổ cả rễ đước, xóa dấu vết toàn bộ. Một hộ khác ở ấp Bào Nhỏ, xã Đất Mũi có cánh rừng đước với diện tích trên 5.000 m2 đang “chết đứng”. Một hộ làm du lịch cộng đồng ở ấp Mũi, xã Đất Mũi có một khoảnh rừng đước trên 10 năm tuổi cũng đang “chết đứng” trơ thân.
Trong khi đó, những khu vực rừng này thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, khu sinh quyển thế giới với lệnh cấm nghiêm ngặt, một cây cũng không được phép chặt.
Thu nhập tăng gấp 10 lần khi phá rừng nuôi tôm
Không lý giải một cách trực tiếp hành động phá rừng lấy đất nuôi tôm của bà con ở xã Nguyễn Phích, ông Nguyễn Văn Liêm, thường gọi Bảy Liêm, ấp 19, xã này kể chuyện nhà của mình.
Ông cũng như nhiều bà con ở đây, được Nhà nước giao khoán 5 ha với tỉ lệ 30% trồng lúa, nuôi cá, làm nông nghiệp hỗn hợp, 70% còn lại phải trồng và giữ rừng tràm. “Hơn 10 năm đầu tôi làm theo đúng quy định này, tôi đã suýt bán đất vì nghèo. Tôi đã nợ ngân hàng trên trăm triệu đồng, còn nợ anh em dòng họ thì không biết sao mà kể hết. Thế rồi từ khoảng năm năm trước, tôi bắt chước bà con ở đây lén nuôi tôm. Đời tôi đã thay đổi. Nay tôi đã trả hết nợ ngân hàng, nợ anh em dòng họ” - ông Bảy Liêm trần tình.
Còn ông Đặng Thanh Long, Tám Long, cùng ấp 19, lý giải gọn hơn: “Tôi về đây ở đã tám năm. Khi đó xứ này xơ xác, tìm một cái nhà lành không ra. Nay nhờ lén nuôi tôm mà xóm đã có nhiều nhà tường như anh thấy đó”. Ông và bà con ở đây ngồi liệt kê: Nhà ông Phong vừa xây xong với giá trị gần 800 triệu đồng; nhà ông Hải ghe hàng, nhà ông Hoàng đầu kênh Tám Rưỡi trên 300 triệu đồng mỗi căn; nhà ông Phạm Văn Hiếu không dưới 500 triệu đồng...
Và rồi ông Nguyễn Văn Dũng, ấp 20, xã Nguyễn Phích đúc kết: “Tôi có cánh rừng tràm tốt nhất xóm này. Tôi vừa bán được 150 triệu đồng. Tính hiệu quả thì 150 triệu đồng/2,5 ha/10 năm trồng giữ rừng, tính ra 1 ha mỗi năm thu được 6 triệu đồng. Còn phần tôi nuôi tôm thu được 129 triệu đồng/năm/2,5 ha, tính ra mỗi hecta thu được mỗi năm là 51 triệu đồng”. Hay như ông Huỳnh Minh Triệu, Bí thư chi bộ ấp 19, cũng cho hay: “Thiệt tình thì không nhờ lén nuôi tôm, bà con ở đây bỏ xứ vì nghèo hết rồi. Động cơ phá rừng lấn đất nuôi tôm của bà con không ngoài cái mưu sinh và trả nợ trả nần. Cũng vì vậy mà chính quyền địa phương khó bề ngăn được tình trạng phá rừng lấn đất nơi đây”.
Cần tách diện tích nuôi tôm ra khỏi rừng Chúng tôi đã cố gắng giữ rừng. Nhưng với những cách thức lách luật khéo léo của dân, cánh rừng cứ teo tóp dần. Chúng tôi đã báo cáo về huyện tình hình này để có giải pháp căn cơ. Theo tôi, cần tách một phần diện tích dân đang nuôi tôm ra khỏi rừng sản xuất để địa phương có điều kiện hỗ trợ dân về hạ tầng phục vụ nuôi tôm, nâng cao hiệu quả, để bà con có đời sống tốt hơn. Bên cạnh đó, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng với dân phát triển kinh tế trên phần đất rừng sản xuất. Ông LÊ TRUNG KIÊN, Chủ tịch xã Nguyễn Phích |