Tỉnh Bình Phước có 41 thành phần dân tộc thiểu số, đa phần đời sống khó khăn nên việc sở hữu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với nhiều người không khác gì “phao cứu sinh”.
Không có BHYT không dám nằm viện
Ông Lê Văn Năm, ngụ ấp 5, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh, cho biết ông bị căn bệnh suy hô hấp làm cho những cơn ho, đau tức ngực diễn ra liên tục. Gia đình đưa ông vào Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh chữa trị chín ngày, chi phí điều trị lên tới 8 triệu đồng. “Đây là khoản tiền rất lớn đối với gia đình, tôi năm nay đã 62 tuổi, không làm ra tiền, các con cũng khó khăn. Nếu không có thẻ BHYT chắc tôi không dám nằm viện dài ngày để điều trị dứt điểm căn bệnh này…” - ông Năm chia sẻ.
Chị Thị Xương đang chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh. Ảnh: V.LONG |
Còn chị Thị Xương, 38 tuổi, ngụ xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, khẳng định thẻ BHYT đã giúp chị sống đến hôm nay. Căn bệnh suy thận của chị chỉ cần một tuần không đến bệnh viện cũng khó mà sống tiếp. Chị Xương kể lúc mới biết bị bệnh, ngoài tinh thần suy sụp, chị còn đứng trước nỗi lo về số tiền điều trị bệnh. Nhưng khi được các bác sĩ giải thích và cho biết thẻ BHYT mà chị có sẽ giúp chi trả toàn bộ tiền điều trị trong nhiều năm, chị mới hết lo lắng.
Ở vùng có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, nếu không có chính sách hỗ trợ thẻ BHYT của Nhà nước thì rất nhiều người không có tiền điều trị khi mắc bệnh. Đối với họ, khoản tiền 2-3 triệu đồng để đi chữa bệnh cũng đã là rất lớn…
Bà ĐẶNG THỊ NGỌC, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh
“Tính ra ba năm điều trị, số tiền đã lên tới hơn 430 triệu đồng. Thực sự nếu không có BHYT, tôi không biết lấy đâu ra tiền đi bệnh viện chữa bệnh trong khi nhà nghèo, các con còn quá nhỏ…” - chị Xương tâm sự.
Tiếc vì chưa kịp mua BHYT
Không may mắn như chị Xương và ông Năm, chị Thị Ra Chiên, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, không có thẻ BHYT do gia đình chị không nắm được thông tin có BHYT đi viện sẽ được quỹ chi trả. “Tôi vào viện sinh con, gia đình đang rất lo lắng khi mới nhận được thông báo viện phí đã gần 3 triệu đồng.Chúng tôi suốt ngày ở trên nương rẫy nên không nắm được thông tin, giờ biết thì đã muộn. Mấy hôm nay chồng đang đi vay tiền hai bên nội, ngoại” - chị Chiên rơm rớm nước mắt.
BHXH tỉnh Bình Phước trao tặng thẻ BHYT cho người dân gặp khó khăn. Ảnh: V.LONG |
Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Lộc, 36 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng, cũng bày tỏ nuối tiếc khi không để tâm đến việc mua BHYT. Cách đây 10 ngày, trên đường đi làm về, anh chẳng may bị một ô tô đâm trúng, phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.
Bệnh viện yêu cầu gia đình anh Lộc tạm ứng số tiền hơn 10 triệu đồng nhưng do khó khăn, anh không thể xoay xở. Biết được hoàn cảnh của anh, bạn bè đăng thông tin lên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ, may mắn mọi người cũng hỗ trợ được cho anh.
“Nghĩ mình còn trẻ, khỏe nên tôi không mua BHYT, lúc bị thế này mới ân hận. Nếu không có người thân, bạn bè, chắc chắn tôi không có tiền để điều trị. Đây là bài học với tôi, chắc chắn sau khi ra viện, điều đầu tiên tôi phải làm đó là mua BHYT” - anh Lộc nói.
Bớt nỗi lo khi được tặng thẻ BHYT
Nhằm lan tỏa giá trị nhân văn, nhân đạo, cộng đồng chia sẻ của chính sách BHYT, tỉnh Bình Phước thường xuyên tổ chức các đợt trao tặng thẻ BHYT cho người dân gặp khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Là một trong hàng trăm người dân được tặng thẻ BHYT trong năm nay, chị Thị Ưng, 29 tuổi, người dân tộc S’tiêng, ngụ xã Đường 10, huyện Bù Đăng, rất vui vì từ nay bớt được gánh nặng, lo âu về viện phí mỗi khi con nhỏ, người thân ốm đau phải vào bệnh viện.
Ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước, cho biết hiện số người tham gia BHYT đến tháng 10-2022 là 821.998 người, đạt 89,8% kế hoạch BHXH Việt Nam. Ước tính đến cuối năm nay số người tham gia BHYT tăng lên 915.000 người, đạt 100% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. “Với những con số trên, độ bao phủ BHYT đến cuối năm nay trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt hơn 92% dân số” - ông Tân cho hay.
Chị Ưng cho biết gia đình chị có hai con, đứa lớn mới 11 tuổi và đều chưa từng có BHYT. Chị kể do cuộc sống của hai vợ chồng quá khó khăn, số tiền có được chỉ trông chờ vào những buổi làm rẫy cho người khác theo thời vụ. Với thu nhập ít ỏi khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, tiền ăn nhiều lúc cũng không đủ nên chưa từng nghĩ tới việc bỏ tiền ra mua BHYT. Chẳng may con bệnh phải đi bệnh viện thì vay mượn rồi trả dần.
Được nhận tấm thẻ BHYT có thời hạn sử dụng một năm, ông Nguyễn Văn Hùng, 55 tuổi, huyện Lộc Ninh, cho biết nhiều lúc ông cũng thấp thỏm về sức khỏe của mình nhưng vì nhà quá khó khăn, ăn chưa đủ no nên chưa nghĩ đến mua BHYT. “Tôi rất biết ơn chính quyền địa phương đã tặng thẻ BHYT cho gia đình” - ông Hùng nói.