Anh nuôi cả gia đình ba thế hệ sống đàng hoàng, tử tế. Con gái anh ngoài giờ học ở trường còn thường xuyên theo học ngoại ngữ ở Trung tâm Hội Việt-Mỹ. Mỗi cuối tuần, cả nhà đều có buổi tiệc họp mặt đầm ấm. Mỗi năm, gia đình đều có chuyến hành hương về nguyên quán đất mũi Cà Mau hay đi đâu đó nhìn ngắm phong cảnh quê hương.
Mỗi năm, anh sáng tác đều đều trên dưới 100 tập phim kể cả phim truyện lẫn phim tài liệu.
Chỉ viết bằng… bút mực
Có thể nói Võ Đắc Dự có phần bảo thủ từ nội dung thể hiện đến cả hình thức và phương thức tác nghiệp: Đến bây giờ anh vẫn viết bằng tay, đọc sách, tài liệu trên giấy. Ngay cả tài liệu trên mạng anh cũng load về in ra đọc chứ không đọc trên máy. Nhiều bạn bè phê phán cách làm có vẻ thủ công đó nhưng anh cho rằng phải giấy trắng mực đen mới chính xác. Nhưng điều quan trọng để viết chuyện tử tế mà có thể sống tử tế trong thời buổi xô bồ này là anh phải làm việc cật lực, phải hết sức nghiêm khắc với mình.
Trong thời hoàng kim của Hãng Phim truyện truyền hình TP.HCM TFS và trong giai đoạn phim truyện truyền hình bùng nổ theo xu thế mì ăn liền, thị trường phim nhốn nháo, bỗng dưng người xem bắt gặp một phong cách quen mà lạ, cũ mà mới, giải trí mà không xô bồ, cạn cợt, bát nháo. Đó là phim Tình án của Võ Đắc Dự chuyển thể từ tiểu thuyết của cố nhà văn Hồ Biểu Chánh.
Biệt tài… chế biến cá
Lượng sản phẩm của Đắc Dự đã khủng nhưng vốn sống tích lũy cho nó còn khủng hơn nhiều. Thời trẻ, Đắc Dự đã lăn trải với đủ nghề, đủ lĩnh vực tưởng chừng như trái nghịch với nhau. Từ biên tập viên nhà xuất bản, anh ra đời làm nông dân nuôi tôm sú, rồi chủ tàu đánh cá, có lúc làm chủ quán nhậu bình dân rồi làm chủ xưởng may. Anh thuộc từng ngư trường của vùng biển Tây Nam. Nhớ đặc điểm của từng loài tôm cá, từng loài sú vẹt của những cửa sông trên Đất Mũi. Anh có biệt tài chế biến độc đáo mỗi loại cá một món ăn theo kiểu cách riêng biệt của anh. Độc đáo nhất là món khô cá thác lác bủn thơm nồng, thịt béo ngậy, da mỏng giòn, người không quen nghe mùi đã sợ, người ăn quen thì cả đời không thể nào quên. Tất cả công việc ấy đều thất bại về kinh tế, anh phải bán tất cả ruộng vườn để trả nợ nhưng anh đã thu lại được vốn sống mà không ai có thể sánh được.
Mỗi năm Võ Đắc Dự (bìa phải) cho ra đời vài đầu kịch bản phim truyện truyền hình, vài chục tập phim tài liệu.
Nuôi đủ loại gà Nam Bộ trong nhà chật Sài Gòn
Võ Đắc Dự là cây bút Nam Bộ, đề tài, phong cách của anh đều là đặc sản Nam Bộ. Anh ngưỡng mộ và thân thiết với cả nhà văn Sơn Nam lẫn Trang Thế Hy, thường gọi họ với cái tên trìu mến là ông già Tư, ông già Năm nhưng anh có lối đi riêng không hề nhầm lẫn.
Nếu Sơn Nam rong chơi ngắm nghía Nam Bộ như một nhà quan sát thì Đắc Dự dấn thân vào đời sống con người Nam Bộ. Trong ngôi nhà nhỏ 4 x 20 m ở Sài Gòn, anh đã nuôi dưỡng không gian nông thôn Nam Bộ bằng cả đàn gà đủ loại: gà tre, gà rừng, gà ri, gà tàu, gà sao… những loại gà sống hoang dã trong môi trường tự nhiên ấy lại đẻ, ấp trứng và nở con trên đất Sài Gòn thì chỉ có Đắc Dự mới có thể làm được. Với vốn sống sâu sắc ấy, anh không chỉ viết kịch bản mà còn ra công làm cố vấn cho đạo diễn. Đạo diễn Tường Phương đã từng phát biểu với báo chí rằng: “Tôi lại may mắn có ngay chính tác giả kịch bản Đất mặn là Võ Đắc Dự - một người sinh ra và lớn lên ở Cà Mau - làm cố vấn văn hóa cho mình. Gốc nông dân, anh Dự hiểu biết rất sâu sắc về tâm lý, đời sống của người dân Nam Bộ nên nói được những bức xúc, chia sẻ được nỗi niềm của người nông dân về đất”.
Sức đọc khiến nhiều người ngả mũ
Nếu Trang Thế Hy ưu tư về thế cuộc bằng những suy nghiệm trầm ngâm thì Đắc Dự đào xới trong sách vở, đúc kết và chắt lọc thông tin, kiến thức của những thế hệ trước để lý giải thế cuộc. Sức đọc của Đắc Dự còn kinh khủng hơn sức viết. Không phải nhà sử học nhưng anh đã ngấu nghiến tất cả bộ sách sử của Việt Nam từ Toàn Thư, Thực Lục đến Khâm Định,… Nghe tôi băn khoăn về mấy bài phê bình bản dịch quyển sách của GS Lê Thành Khôi, anh gạt ngang: “Chữ nghĩa là tiểu tiết, đọc đi để có kiến thức và hiểu được phương pháp sử học”. Hóa ra anh đã đọc quyển này từ lúc còn là tài liệu mật của Học viện Tuyên truyền. Nói đến văn học Nga hiện đại, tôi chỉ mới biết tới Gamatop, Aimatop,… thì anh đã chán ngán họ và yêu mến Sucsin. Đắc Dự đọc không để thỏa mãn cơn khát kiến thức mà để kiến giải những vấn đề. Cái anh tìm không ở con chữ mà sau những dòng chữ.
Góp công lớn vào dòng phim Nam Bộ của TFS Đắc Dự còn có Mạch ngầm, Ngọn cỏ gió đùa cũng chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Vẫn với phong vị ấy, anh đã làm mới câu chuyện cũ, môtíp cũ bằng sự sáng tạo sắc sảo của mình. Đặc biệt, Ngọn cỏ gió đùa vốn được Hồ Biểu Chánh phóng tác từ Những người khốn khổ của Victor Hugo, một tiểu thuyết kinh điển đã thành sách gối đầu giường của bao thế hệ. Chuyển thể những tác phẩm đỉnh cao ấy là một thách đố nghề nghiệp vì dễ tạo ra sự nhàm chán, dễ rơi vào sự lặp lại, mô phỏng theo câu chuyện cũ. Võ Đắc Dự đã chấp nhận thách thức đó và cuốn hút đạo diễn Hồ Ngọc Xum cùng lao vào cuộc chơi dàn dựng bộ phim này với độ dài 45 tập. Trước đó, năm 1989 chính Hồ Ngọc Xum đã từng dàn dựng Ngọn cỏ gió đùa theo kịch bản của Việt Linh dài hơn hai tiếng đồng hồ. Theo kết quả đánh giá rating của giới truyền hình thì những phim này đều ăn khách và góp phần cho thành công chung của dòng phim Nam Bộ hay còn gọi là dòng phim Hồ Biểu Chánh của TFS. |