LTS: Họ là những cây bút sống tốt, sống khỏe chỉ bằng ngòi bút của mình. Tên tuổi họ bảo chứng cho chất lượng tác phẩm với lượng phát hành khủng. Vậy hậu trường viết văn của họ ra sao? Tài năng, công sức họ dành cho nghề viết thế nào? Và chuyện đời riêng của họ gắn với nghề viết, với thu nhập… Bắt đầu từ số báo Chủ nhật 10-4, Pháp Luật TP.HCM khởi đăng loạt bài về những cây bút bạc tỉ.
Con số này được tính trên 10% giá bìa tác quyền nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ nhận được ở mỗi bản sách. Bởi Nhà xuất bản Trẻ công bố đã in 100.000 bản Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng ở ngay lần đầu tiên. Dĩ nhiên, số tiền tỉ này chỉ xuất hiện khi 100.000 bản sách đó được bán hết. Mà nghe đâu số sách này đã bán hết thật, đang chuẩn bị in tái bản lần hai. Vậy nên tự nhiên con số tiền tỉ này khiến giới văn chương xôn xao ở các bàn nhậu. Bởi ở Việt Nam có mấy ai viết văn mà sống được đâu nhưng bây giờ tự nhiên thiên hạ nhìn ra có nhà văn không chỉ sống được bằng tác phẩm mà còn kiếm tiền tỉ. Vậy là có những câu chuyện bàn luận nọ kia về việc tại sao sách của Nguyễn Nhật Ánh bán chạy, luôn “best seller”…
Viết mà nghĩ đến chuyện bán chạy là… hỏng
Hỏi Nguyễn Nhật Ánh về chuyện viết văn bạc tỉ, ông nhà văn này bình thản: “Tôi đâu có viết ăn may”. Xong thì ra chiều nghiêm chỉnh: “Có ai đó nói: Danh và lợi đi trước sáng tác là một tai họa, đi song hành với sáng tác là một cản trở, còn đến sau sáng tác là hợp quy luật. Tôi tin đó là một nhận xét xác đáng. Nhà văn khi ngồi vào bàn chỉ cố viết sao cho hay, viết về đề tài gì mà bản thân mình cảm thấy thích thú. Còn hay ở mức độ nào thì tùy tài năng, phong độ của mỗi người. Nếu tư tưởng và tâm hồn nhà văn cùng đồng điệu với tư tưởng và tâm hồn của người đọc thì thành công sẽ đến một cách tự nhiên. Chứ nhà văn ngồi sáng tác mà mải loay hoay nghĩ phải viết kiểu gì cho sách bán chạy thì văn chương khó mà bay bổng được”.
Nguyễn Nhật Ánh nói như thế và có đến nhà của ông nhà văn này, nói chuyện nhiều một chút với ông mới thấy văn sao người vậy thật. Ông không phải là nhà văn ăn may.
Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn hiếm hoi làm nên cảnh hàng ngàn người xếp hàng, chờ đợi hàng giờ trong mưa hay giữa trời nắng gắt để có được chữ ký của ông trên sách.
Tạo không gian sống đồng quê
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có ý thức đề phòng và tránh xa chuyện thị phi, rất ngại chuyện mất thì giờ tranh cãi với một ai đó. Nên ai nói cái gì, hỏi cái gì mà gai góc một chút là ông lảng đi ngay và chẳng bao giờ trả lời. Hỏi tại sao như thế thì ông nói: “Những gì tôi cần nói với độc giả đã nói hết trong tác phẩm rồi. Tôi muốn dành tâm trí, thời gian cho sáng tác và để cho tâm hồn, con người mình được trong trẻo, thanh thản”.
Đúng là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn giữ gìn cho cuộc sống và tâm hồn mình trong trẻo như truyện của ông vậy. Ở ngôi nhà riêng của ông bây giờ, ông tìm nhiều cách để tạo ra một không gian đồng quê giống như ký ức tuổi thơ mà ông hay kể trong các tác phẩm. Ông trồng cây ngoài sân thượng, ở những góc ban công, nuôi chó, nuôi cá. Bờ rào ban công khoảng nắng bé tí tí, chỉ trồng được ít hoa vàng ông cũng dán bảng “Trại hoa vàng” như tên một tác phẩm và một vùng ký ức của mình. Ông đặt cho các con chó những cái tên ngộ nghĩnh như thời trẻ con và chơi với chúng, nói với chúng như trẻ con. Ông tạo ra tín hiệu cho cá ăn ở cái hồ cá nhỏ xây trong nhà mình bằng cách lắc một cái chuông và thích thú với điều đó như cái cách trẻ con chơi một trò thú vị.
Nhớ dai và muốn truyền “vitamin trong trẻo” cho bạn đọc
Nguyễn Nhật Ánh còn là một người giàu tình cảm theo một cách nào đó với trí nhớ rất tốt. Ông thường nhớ rất kỹ những điều gì đó mà ông có ấn tượng về những người ông gặp dù thoáng qua, như một PV đến phỏng vấn và nhắc lại chuyện đó sau một thời gian rất lâu. Ông cũng quan sát rất nhiều cuộc sống xung quanh mình dù là cuộc sống của mấy chú mèo, chú chó với lăng kính sinh động.
Có lẽ say mê và luôn tìm cách sống trong thế giới tuổi thơ xưa cũ như thế, tình cảm kiểu như thế, nhớ dai như thế, quan sát sinh động như thế nên những tác phẩm viết về lứa tuổi học sinh, những chuyện tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh luôn trong trẻo, thơ mộng, sinh động, tạo được cảm xúc êm đềm trong lòng người đọc. Và có lẽ đây chính là bí quyết thành công bán chạy của truyện Nguyễn Nhật Ánh. Có rất nhiều độc giả đọc truyện của ông từ thời niên thiếu với sự rung động êm đềm nên khi trở thành cha, thành mẹ đã chọn truyện của ông cho con mình đọc với mong muốn con có được sự trong trẻo, êm đềm trong tâm hồn. Rồi có những lớp độc giả khác nay đã ở tuổi ông, tuổi bà cũng muốn chọn truyện Nguyễn Nhật Ánh cho con cháu. Vậy nên nhà văn viết truyện học trò này có số lượng bạn đọc đông đảo, tích lũy qua nhiều năm tháng. Ông nhà văn rất thích thú về điều này, không hề có ý định viết khác đi cái gì mình thích mà độc giả cũng thích. Ổng nói: “Tôi nghĩ truyện của mình như truyền vitamin cho tâm hồn người đọc khiến tâm hồn họ trong trẻo, tươi mát, yêu đời hơn, cảm thấy cuộc đời này bớt nặng nề hơn”.
“Nghĩ mình là ngôi sao thì không viết được nữa”
Hỏi Nguyễn Nhật Ánh nghĩ gì nếu có ai đó chê tác phẩm của mình nhạt, ông trả lời: “Khen chê là một phần của văn chương. Nhà văn viết ra một tác phẩm có người khen, người chê là chuyện bình thường. Tác phẩm văn chương vẫn được coi là món ăn tinh thần nên nó cũng có đặc điểm như món ăn vật chất vậy, có thể hợp khẩu vị người này nhưng không hợp khẩu vị người kia”.
Hỏi ông có nghĩ mình là một nhà văn ngôi sao vì luôn có sách “best seller” hay không, Nguyễn Nhật Ánh cười thú nhận: “Tôi chỉ cảm giác được mình là người nổi tiếng trong một hai năm trở lại đây với những lần ký tặng sách, nhất là lần ký tặng sách ở Hà Nội mới đây nhất vì có rất đông người xếp hàng chờ tôi ký. Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình là ngôi sao. Vì nếu nghĩ mình là ngôi sao, tính cách tôi sẽ thay đổi và tôi sẽ không viết được như bây giờ hay đã qua vì đầu óc chỉ nghĩ đến chuyện danh vọng. Tôi yêu văn chương, tôi tự biết ở tuổi mình bây giờ là đã qua thời viết sung sức như thời còn thanh niên nên tôi muốn tận dụng nhiều thời gian viết lách còn lại của mình để viết được gì thì viết”.
Ngồi vào bàn viết vào mỗi tinh mơ cho đến trưa
Chuyên tâm đặt mình trong chuyện viết lách như thế nên trong hơn 30 năm viết văn của mình tính cho đến nay, Nguyễn Nhật Ánh luôn khiến đồng nghiệp và công chúng khâm phục bởi sức sáng tác đáng nể của mình. Số lượng tác phẩm ra đều đặn mỗi năm có thể vài cuốn sách, vài tập truyện nhiều kỳ của ông thuộc hàng kỷ lục trong giới văn chương. Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ bí quyết viết văn của mình là tạo thói quen ngồi vào bàn viết vào mỗi buổi sáng sớm cho đến trưa. Bởi buổi sáng là thời gian con người ta có thể trạng, đầu óc khỏe mạnh nhất sau một đêm tái tạo năng lượng. Nếu rèn được thành thói quen thì viết lách không còn nặng nề mà là một công việc quen thuộc.
Gia đình từng qua nhiều năm nghèo khó
Lại hỏi Nguyễn Nhật Ánh, ông nghĩ gì khi mình là một trong những nhà văn hiếm hoi ở Việt Nam có thể sống được bằng việc sáng tác, mà lại sống sung túc vì hầu như năm nào ông cũng có rất nhiều đầu sách mới được tái bản và có sách mới “best seller”? Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: “Tôi nghĩ sống được bằng nghề văn, cái nghề tôi yêu thích từ thuở bé, một cách chân chính và lương thiện là một hạnh phúc rất lớn đối với tôi. Vì nếu anh kiếm được tiền nhưng không phải bằng cái nghề anh yêu thích thì niềm vui của anh cũng không trọn vẹn được”. Tuy nhiên, Nguyễn Nhật Ánh cho biết ông chỉ cảm thấy mình sống sung túc trong vài năm gần đây thôi. Còn nhiều năm về trước cuộc sống của gia đình ông rất bình thường, có nhiều giai đoạn nghèo khó. Ông nói: “Tôi viết văn từ khởi đầu đến nay vì yêu thích, đam mê chứ có vì kiếm tiền hay làm giàu đâu. Nếu muốn kiếm tiền hay làm giàu thì người ta làm nghề khác chứ”.