Ở vị trí triệu phú đôla như hôm nay, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn hoàn toàn có thể tự hào ông tạo lập tên tuổi, tài sản từ tài năng văn chương và sự lao động lương thiện.
Nhà văn Việt Nam đầu tiên mua xe hơi
Nguyễn Mạnh Tuấn bảo rằng ông không mơ tưởng hay xác định văn chương, tác phẩm của mình phải lưu danh hậu thế. Ông quan niệm chỉ vài năm là độc giả sẽ quên ngay quyển truyện này của mình đi nên mình cần phải viết ngay một quyển truyện mới. Vậy nhưng cứ nhắc đến ông là người ta nhắc đến ba tác phẩm Những khoảng cách còn lại (1980), Đứng trước biển (1982), Cù lao tràm (1985) của thời bao cấp. Văn học sử Việt Nam giai đoạn sau năm 1975 chắc chắn cũng sẽ ghi nhớ dấu ấn ba tác phẩm này, đặc biệt là hiện tượng Cù lao tràm gây chấn động cả nước. Bởi vào cái thời bao cấp ấy, Nguyễn Mạnh Tuấn đã dám nói thẳng, nói thật những suy đồi phẩm chất ở một số cán bộ, chỉ rõ những chệch choạc trong công tác điều hành quản lý kinh tế của Nhà nước. Cù lao tràm xông thẳng vào những chuyện: Có nên cưỡng bức nông dân vào hợp tác xã hay không? Thực hiện khoán sản phẩm ra sao? Phát triển nghề phụ thế nào trong nông thôn? Giải quyết quan hệ công nghiệp và nông nghiệp như thế nào? Có nên sử dụng người là “ngụy” cũ có năng lực quản lý sản xuất?…
Ở những năm tháng mà nhiều quan điểm xã hội còn chưa cởi mở như thế, xí nghiệp đánh cá nọ đã đề nghị khởi tố, bỏ tù Nguyễn Mạnh Tuấn. Chín tỉnh miền Tây, đặc biệt là tỉnh Hậu Giang quy kết Nguyễn Mạnh Tuấn bảy tội danh phản động, phá hoại. Cả tháng trời có hàng loạt bài báo chỉ trích, phê bình Nguyễn Mạnh Tuấn. Ấy vậy mà Xa và gần, Đứng trước biển, đặc biệt là Cù lao tràm được bán ào ào, số lượng phát hành lên đến 160.000 bản. Nguyễn Mạnh Tuấn kể rằng lúc đó ông tự in sách và tự phát hành sách ở nhà, đầu nậu đến nhà ông chung tiền lấy Cù lao tràm nườm nượp. Có người từ nghèo đã khá lên bởi bán được nhiều truyện Cù lao tràm.
Với danh tiếng và cái sự ăn nên làm ra ấy, Nguyễn Mạnh Tuấn là nhà văn Việt Nam đầu tiên mua xe hơi và mua ngay trong thời bao cấp.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn vui vẻ trải lòng về những dấu mốc cuộc đời và nghiệp văn chương hái ra tiền tỉ của mình.
Nhờ… ngoại tình mà mua đất lập cơ ngơi
Gia đình nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn hiện đang sở hữu một cơ ngơi chính là ngôi trường mẫu giáo Hoa Mai rộng 2.500 m2 với thang máy, hồ bơi và 25 lớp học tại Gò Vấp, TP.HCM. Ông và vợ cười tươi như hoa, nói như khoe rằng miếng đất này được mua chỉ bằng số tiền nhuận bút từ quyển tiểu thuyết Ngoại tình của ông.
Sau những ồn ào, được mất từ Cù lao tràm, có những lúc hai vợ chồng cảm thấy rất cô đơn, chỉ còn có nhau, nhiều mối quan hệ quay lưng. Ra sách mới có vẻ khó khăn, với sự giúp đỡ của vợ lúc đó đang làm cho một nhà xuất bản nên có kinh nghiệm, Nguyễn Mạnh Tuấn tìm đến một nhà xuất bản nhỏ và mới để họ dễ dàng cần mình mà nhận in sách. Năm 1988, ông in quyển Yêu như là sống với thỏa thuận sẽ tự mình bán sách giùm nhà xuất bản luôn và đấu tranh mãi mới được hưởng nhuận bút 6% trên giá bìa. Không ngờ quyển sách bán rất chạy. Năm 1989, Nguyễn Mạnh Tuấn viết tiếp quyển Ngoại tình, tự in, tự phát hành tại nhà và bán đắt như tôm tươi. Số tiền nhuận bút của quyển này ông giao cho vợ đem mua đất để tính đường nghỉ việc tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và xin ra khỏi Hội Nhà văn vì tự ái, vì buồn chuyện thế thái nhân tình.
Viết kịch bản phim tiền tỉ và làm giàu
Nghỉ nhà nước, mất lương khi ba con vẫn còn ở tuổi ăn học, Nguyễn Mạnh Tuấn bảo lúc đó trong lòng ông lo lắm. Miếng đất xây Trường Hoa Mai bây giờ, ông đã tính làm đủ việc để kiếm sống như mở gara, làm trại gà… Và có lúc nó thành trại gà thật. Tuy nhiên, Nguyễn Mạnh Tuấn gật gù: “May cho tôi là ở đất Sài Gòn này ai giỏi, có khả năng thì người đó sống được. Đất này không như ngoài Bắc, có người đánh anh, chặn anh thì cũng có người sẵn sàng dùng anh, cho anh cơ hội. Tôi ở nhà, nhờ anh em, bè bạn kêu viết báo, kêu viết cái này, cái kia nhuận bút cũng đủ sống. Cho đến khi phim truyền hình Việt Nam bắt đầu rộ lên, vững mạnh vào những năm 1990 thì tôi sống tốt, sống khỏe”.
Văn chương nổi như cồn vào thập niên 1980, song bên cạnh đó Nguyễn Mạnh Tuấn cũng là tác giả những kịch bản phim nổi tiếng như Xa và gần, Biển sáng. Thời phim mì ăn liền, ông có hàng loạt kịch bản phim cho Nhà nước lẫn tư nhân như Lối rẽ trái trên đường mòn, Vĩnh biệt đàn bà, Tình ngoài, Hạnh phúc đắng cay, Yêu đương ở tuổi nào, Trọn kiếp lênh đênh, Hải đường trắng…
Vậy nên khi phim truyền hình Việt Nam vào mùa từ thập niên 1990, Nguyễn Mạnh Tuấn chuyển hẳn sang viết kịch bản phim truyền hình. Không hổ thẹn với danh tiếng văn chương của mình, ông cũng trở thành một trong những nhà biên kịch đắt giá, đắt show nhất của làng truyền hình cả nước. Ông có những kịch bản phim nổi như cồn, vừa ăn khách vừa được khen ngợi từ khán giả cho đến báo chí như Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối, Chuyện tình bên dòng kênh Xáng, Cô thư ký xinh đẹp, Blouse trắng, Hướng nghiệp, Nghề báo, Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử Thiên đô…Ông là nhà biên kịch từ trăm triệu đến cả tỉ đồng mà các hãng phim nhà nước lẫn tư nhân chọn mặt gửi vàng… Giai đoạn này, ông còn viết nhiều kịch bản phim điện ảnh nhà nước như Lưới trời, Sinh mệnh, Tử hình, Niềm đam mê… và cả bộ phim thị trường Trúng số của Dustin Nguyễn gần đây.
Tiền tỉ từ viết lách mà có Nguyễn Mạnh Tuấn lại đưa hết cho vợ xây Trường Hoa Mai để có cơ ngơi triệu đô như hiện nay.
Cày kịch bản cật lực, miễn nhậu
Khi chuyển sang chuyên viết kịch bản, nghiệp viết sách của Nguyễn Mạnh Tuấn có vẻ im tiếng hẳn đi. Nhưng bản thân nhà văn Cù lao tràm lại chẳng bận tâm lắm về điều đó. Ông nói thẳng: “Hồi tôi viết Cù lao tràm, Ngoại tình, bán cả trăm ngàn bản. Giờ tôi viết sách, chật vật mỗi năm một cuốn in 1.000 bản chỉ được 10 triệu đồng, trong khi viết kịch bản phim ra tiền trăm triệu, tiền tỉ vậy thì tại sao mình lại từ chối tiền, từ chối phim”. Và Nguyễn Mạnh Tuấn cật lực tận dụng cơ hội kiếm tiền từ phim thật. Ông làm việc bất kể ngày đêm, không có cả giờ ngủ. Có lúc cày cùng lúc bốn kịch bản cho bốn hãng phim khác nhau. Bạn bè nhìn vào, bảo rằng ông nhà văn này chỉ biết làm việc như trâu bò chứ chẳng biết tụ tập anh em, nhậu nhẹt gì cả.
Ông bảo có những người không làm việc sẽ lăn ra bệnh và ông thuộc dạng người đó. Ông không thể ngồi lâu để nhậu được vì ngồi chừng một tiếng đồng hồ là ông thấy mệt, thấy chán, là bắt đầu lo các nhân vật của mình chạy lạc đi đâu mất, phải đi về nhà gom lại.
Nhạy cảm cao độ
Nguyễn Mạnh Tuấn nói ông từng trải qua hơn mười cái nghề thì thấy nghề viết văn là cực khổ nhất. Mỗi năm viết vài ngàn trang hỏi làm sao mà không cực khổ. Nó lao lực từ sức khỏe thể chất đến nơron thần kinh khủng khiếp. Bản thân ông còn khổ hơn người khác vì cảm xúc ở ông nhiều và mạnh. Hai vợ chồng đi du lịch đâu đó, thấy những cảnh khổ của bà con, người khác có thể chỉ mủi lòng rồi thôi, tôi thì cứ cảm thấy day dứt mãi. Tôi cũng có cái bệnh mất ăn mất ngủ vì những chuyện tiêu cực của xã hội. Những chuyện tiêu cực, những cảnh khổ như thế nếu không viết ra được có khi tôi lại nặng nề trong người. Viết được rồi thấy mình được nhẹ nhàng như trút đi gánh nặng.
Sống cảnh chim trong lồng son, rạp phim nhẵn mặt Bây giờ nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn không còn nhận viết nhiều như xưa vì lớn tuổi nhưng ông vẫn luôn bận rộn với một, hai cái kịch bản phim hay quyển sách nào đó nên đều đặn ngồi vào bàn viết năm tiếng mỗi ngày. Ông cũng chẳng mấy khi đi đâu mà suốt ngày quanh quẩn trong khu phòng rộng chừng 100 m2 vách kiếng, sàn gỗ sáng bóng sang trọng, tiện nghi của mình và thấy rất hạnh phúc với điều đó. Những thời gian không làm việc trong ngày, ông nói mình ở trong phòng xem phim, nhất là phim Việt Nam từ thượng vàng đến hạ cám để học điều hay, tránh điều dở khi viết. Khi có phim mới ở rạp dù trong nước hay ngoài nước, ông và vợ khoác tay nhau đi xem đến mức nhân viên của nhiều rạp thấy hai ông bà già rồi nên giảm giá vé và thường xuyên giới thiệu phim mới. Ông nhà văn đại gia này đã sống và làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp với tinh thần luôn học hỏi, cầu thị như thế đó. |