Trong ảnh dưới đây là một công dân Việt Nam vừa mất tại Bangdung tối qua.
Hãy hình dung những công việc Đại sứ quán (ĐSQ) phải xử lý khi cùng lúc vừa liên hệ với cảnh sát, với bệnh viện lo cho người này khi anh ta liên tục la hét, không phương tiện liên lạc, không đầu mối với người nhà và không một xu dính túi.
Một công dân Việt Nam vừa qua đời ở Indonesia
Và hãy hình dung tiếp sẽ có bao nhiêu việc phải làm để ma chay, hỏa táng, đưa tro về nước trong trường hợp không liên hệ được với người nhà.
Khi nguồn lực hạn chế, bạn không thể xử lý tất cả mọi việc như bạn mong muốn, bạn phải đứng trước sự lựa chọn. Xử lý để cứu người sắp mất (và bây giờ đã mất), hay có mặt ở chỗ 5 ngư dân vừa bắt đầu tuyệt thực? Tôi thực sự buồn vì mình không thể xử lý được cùng lúc cả hai.
Và đây là câu chuyện buồn.
Đáng ra vào giờ này mình đang ở Hà Nội giải quyết một số công việc gia đình, chuẩn bị cho việc bàn giao trước khi nhận nhiệm sở mới.
Nhưng cũng lạ, tự nhiên linh tính mách bảo những chuyện liên quan đến bảo hộ công dân thường xảy ra vào dịp cuối năm và mọi thứ dù cả nhiệm kỳ có làm tốt đến đâu nhưng khi xảy ra chuyện, xử lý không kịp thì mọi công sức của cơ quan, của anh em bị "đổ sông, đổ bể". Có thể thực tế không như vậy và không phải ai cũng nghĩ vậy nhưng vẫn cảm thấy áy náy nên tự quyết định hủy, chưa về dịp này.
Và nhân bảo như thần bảo. Khoảng 2-3 ngày nay, cùng lúc xảy ra 4 vụ việc liên quan đến bảo hộ công dân ở 4 khu vực khác nhau, vụ việc nào cũng nghiêm trọng. Đặc biệt nhất là vụ một công dân bị giữ ở một tỉnh xa khi đang đi lang thang trên đường với những biểu hiện bệnh lý không bình thường (rất tiếc anh này đã qua đời đêm qua, trong người chỉ có tấm hộ chiếu Việt Nam và 2 lọ thuốc điều trị HIV).
Rồi vụ 3 ngư dân Việt Nam bị nhà chức trách Indonesia bắt gần biên giới với Timor-Leste khi đang làm việc trên một tàu Trung Quốc cùng các thủy thủ Trung Quốc, Myanmar và Indonesia... Trong vụ này, cán bộ ĐSQ phải bay ngay chuyến 10 giờ 30 đêm, đổi máy bay 2 lần để kịp làm việc vào buổi sáng và sau đó lại về ngay nửa đêm qua để xử lý việc khác, trong khi việc này chưa xong.
Ngư dân được trao trả tại sân bay quốc tế Soekarno Hatta (áo đồng màu). Ảnh: Vietnam+
Khi đất nước bước vào quá trình hội nhập, công dân Việt Nam ra nước ngoài với cấp sổ nhân làm việc, kinh doanh, học tập, du lịch... Cùng với đó, các hoạt động của nhà nước, đặc biệt là ngoại giao, công tác lãnh sự... cũng tăng lên tương ứng để bảo vệ các lợi ích của Việt Nam, bảo hộ công dân Việt Nam.
Khi Tổng Bí thư sang thăm Indonesia, mình đã từng phát biểu: Khái niệm lợi ích của Việt Nam hiện nay lớn và rộng hơn trước rất nhiều. Ở đâu có người Việt Nam, ở đâu có đầu tư, buôn bán của Việt Nam thì ở đó có lợi ích của Việt Nam và các ĐSQ, nhân viên ngoại giao Việt Nam phải có nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích này.
Ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ở Indonesia.
Trong hơn 2 năm qua, ĐSQ đã phối hợp đưa hơn 2.500 ngư dân về nước, việc bảo vệ một số lượng không nhỏ những tù nhân bị bệnh, thậm chí qua đời vì bệnh, những người sang buôn lậu, hành nghề trộm cắp bị bắt, những phận bán phấn buôn hương.
Và trong công tác bảo hộ công dân, nhiều câu chuyện bên trong chỉ có những người trong cuộc biết và thầm lặng xử lý, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khó giãi bày cùng ai vì thông tin một chiều từ người cung cấp một đằng, từ kiểm chứng thực tế lại khác hẳn.
Vụ 5 thuyền trưởng bị bắt, hiện đang giam giữ ở Natuna có lẽ theo trí nhớ của mình là vụ việc ĐSQ dồn nhiều công sức và nguồn lực cho một vụ việc đơn lẻ từ trước đến nay. Và cũng chưa bao giờ số Công hàm ngoại giao (cho đến nay là 5) gửi từ trong nước và sứ quán liên quan đến một vụ việc này lại nhiều như vậy.
Và cũng chưa bao giờ ĐSQ lại tham dự nhiều phiên tòa, tiếp xúc với tòa án tối cao và địa phương cho một vụ việc đơn lẻ nhiều như vụ này.
Chỉ cần hình dung, nếu một năm sứ quán có khoảng 5 vụ tương tự, toàn bộ sứ quán khó có thể vận hành một cách bình thường vì không đủ cả người lẫn kinh phí.
Và tiếc rằng, cho đến nay kết quả của vụ việc vẫn chưa như mong muốn của người trong cuộc, của dư luận và đặc biệt là của những cán bộ ĐSQ trực tiếp tham gia xử lý vụ việc. Phía các ngư dân và các luật sư bảo vệ vẫn tiếp tục kháng cáo, đòi công lý. Còn phía tòa án Indonesia thì ra phán quyết dựa trên bản khai có chữ ký của ngư dân, cáo trạng do Viện Công tố cung cấp.
Tất nhiên, ĐSQ sẽ phải bảo vệ các lợi ích chính đáng và hợp pháp của các ngư dân, yêu cầu tòa xét xử minh bạch và sẽ tiếp tục công việc bảo hộ ngư dân trong suốt tiến trình pháp lý đang diễn ra cũng như sau này.
Trong khi tiến trình pháp lý vẫn đang tiếp diễn, ĐSQ qua nhiều kênh khác nhau đề nghị các thuyền trưởng không tiếp tục tuyệt thực, đề nghị các cơ quan hữu trách Indonesia có những biện pháp đặc biệt, trông coi các ngư dân không để xảy ra bất cứ sự việc đáng tiếc nào xảy ra.
Mong các bạn hiểu và chia sẻ.
Còn chúng tôi chỉ ước mình có thể làm được nhiều hơn. Và cũng muốn có một chút thời gian hơn một chút để nghỉ ngơi, để lấy lại sức lực cho năm mới và một chút thời gian với người thân trong gia đình nữa.
Vài nét về tác giả Hoàng Anh Tuấn Tác giả Hoàng Anh Tuấn là Đại sứ Việt Nam tại Indonesia. Ông vừa được Hội đồng Điều phối ASEAN thông qua việc bổ nhiệm làm phó tổng thư ký ASEAN. Ông viết những dòng này vào lúc chuẩn bị bàn giao công việc ở Indonesia để nhận nhiệm vụ mới. Trong gần một nhiệm kỳ làm đại sứ ở Indonesia, ông Tuấn là đầu mối quan trọng điều phối, thúc đẩy việc giải quyết vấn đề ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ. Và vào lúc chuẩn bị bàn giao công việc, đã xuất hiện một số việc như bảo hộ công dân với một số thuyền trường Việt bị tòa án Indonesia đưa ra xét xử, rồi người Việt tử vong... |