Nhưng điều đáng chú tâm: Đường phố Hà Nội hầu hết đều mang tiếng Việt. Dạo khắp 36 phố phường Hà Nội, người công dân Việt Nam (VN) hãnh diện đọc đủ tên những văn nhân, những anh hùng của xứ sở, những tính chất riêng biệt của từng ngành kỹ nghệ, thương mãi của nước nhà. Trái lại Sài Gòn (thời điểm ấy - NV) chỉ mang toàn là tên ngoại quốc; phần lớn là “quý danh” của những quan Pháp thuộc địa đã có công với nước Pháp trong cuộc chiếm đất VN từ thế kỷ 19. Kể ra cũng nên bắt chước cái chốn kinh kỳ miền Bắc, đổi tên đường phố cho đất Sài Gòn. Cái việc ấy tưởng cũng giản dị mà mang một ý nghĩa sâu xa, biểu lộ một ý thức độc lập rất chính đáng” (Đời Mới 6-8-1953).
Thật vậy, đường phố Sài Gòn - Chợ Lớn vào khoảng thời gian bài báo ra đời đa số mang những tên Tây mà dân Việt đọc muốn quéo lưỡi như Boulevard Kitcheneer (Nguyễn Thái Học hiện nay), Boulevard Norodom (Thống Nhất, Lê Duẩn), Boulevard Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự, Nguyễn Thị Minh Khai). Đến năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm mới chỉ thị cho Tòa Đô Chánh Sài Gòn thay thế toàn bộ tên đường từ Pháp qua Việt. Tòa Đô Chánh lại giao cho Ty Kỹ thuật - phòng họa đồ đảm nhiệm công việc này.
Đường Hàn Thuyên được đặt gần Alexandre de Rhodes. Một người sáng tạo ra chữ Nôm, một người góp phần hình thành chữ quốc ngữ.
Sau ba tháng nghiên cứu, trưởng phòng họa đồ của Ty Kỹ thuật - nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát đã đệ trình lên Hội đồng Đô thành toàn bộ danh sách tên đường chuyển đổi và Hội đồng Đô thành không thấy có lý do gì để sửa đổi bản đệ trình của người uyên bác về lịch sử này. Ông Nguyễn Văn Luân, một đồng sự của nhà văn trong Ty Kỹ thuật, đã nhận định: “Các đường được đặt tên với sự suy nghĩ rất lớp lang, mạch lạc với sự cân nhắc đánh giá bao gồm cả công trạng từng anh hùng một, lại phù hợp với địa thế và các dinh thự đã có sẵn từ trước. Tác giả đã cố gắng đem cái nhìn vừa tổng quát lại vừa chi tiết, những khía cạnh vừa tình vừa lý, đôi khi chen lẫn tính hài hước vào việc đặt tên hiếm có này”.
Theo nhiều người nhận định, cách đặt tên đường của ông Phát là dựa theo từng cụm danh nhân lịch sử như đườngTrần Hưng Đạo (Galliéni) gần đường Phạm Ngũ Lão (Colonel Grimaud), đường Nguyễn Thái Học gần đường Cô Giang (Douaumont), Cô Bắc (Dumorier), Phan Đình Phùng (Richaud - Nguyễn Đình Chiểu) cắt ngang Cao Thắng (Audouit), Hai Bà Trưng (Paul Blanchy) có Thi Sách (Cornulier) dựa kề, Võ Tánh (Frère Louis - Nguyễn Trãi) thì phải kế Ngô Tùng Châu (Phan Thanh Giản - tên đường này được đặt thời Pháp) rồi chạy lên là Gia Long (thời Pháp vẫn là Gia Long), dọc sông Sài Gòn chạy tuốt vào Chợ Lớn là Bến Bạch Đằng (Quai Le Myre de Vilers - Võ Văn Kiệt), Chương Dương (Quai de Belgique - Võ Văn Kiệt), Hàm Tử (Quai Le Marn - Võ Văn Kiệt). Trong Chợ Lớn có đường Khổng Tử nằm cạnh Trang Tử (Quai de Foukien - Võ Văn Kiệt)… Khi đặt tên đường cho Sài Gòn, chính quyền không phân biệt nhà Nguyễn Gia Mô hay nhà Nguyễn Tây Sơn. Nếu có đường Gia Long thì cũng có đường Nguyễn Huệ. Nếu có Võ Tánh, Ngô Tùng Châu thì cũng có đường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân.
Hội đồng đặt tên đường cũng rất quan tâm đến các nhà văn hóa lớn của VN như Hàn Thuyên là người sáng tạo ra chữ Nôm (được người Việt dùng trong gần 10 thế kỷ) để thay cho chữ Hán. Còn Alexandre de Rhodes là người góp phần hình thành chữ quốc ngữ, Lê Quý Đôn (nhà thơ thế kỷ 18), Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19). Hai nữ sĩ là Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm (nay là Trương Định) thì chạy song song bên hông ngôi trường nữ mang tên ông vua nhà Nguyễn: Gia Long như để tôn vinh những tà áo dài trắng lụa là “nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát”. Nhưng không hiểu sao nữ nhà báo đầu tiên của VN là Sương Nguyệt Anh thì lại song song với một nữ tướng của nhà Tây Sơn là Bùi Thị Xuân. (CMTT) Nguyễn Đình Chiểu (nhà thơ lớn của miền Nam VN nửa cuối thế kỷ 19), Lê Ngô Cát (nổi tiếng với tài viết sử bằng thơ, thế kỷ 19), Tú Xương (tên thật Trần Tế Xương, thế kỷ 19), Bà Huyện Thanh Quan, rồi Petrus Ký. Riêng nhà thơ Tản Đà thì được đặt tên cho một con đường ở khu ăn uống của người Hoa tại quận 5 có phải vì nhà thơ là người sành ăn uống (?). Tuy nhiên, bây giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao có một con đường mang tên của một nhân vật mang nhiều tính giai thoại văn học (dù có thật) là Cống Quỳnh được đặt chạy ngang nhà bảo sanh mang tên Từ Dũ mà không phải là Tự Đức?