Những ‘con đường sáng’

Tối 8-1, Đài Truyền hình Việt Nam khai trương kênh truyền hình VTV7 chuyên về giáo dục với tinh thần Vì một xã hội học tập. Đây là một tin vui đối với những ai quan tâm tới nền giáo dục nước nhà, bởi từ lâu nay giáo dục là đề tài nóng liên quan tới mọi người, mọi nhà. Chưa biết, chưa xem các chương trình của kênh chuyên đề giáo dục này nhưng theo lời giới thiệu thì đây sẽ là một kênh góp phần giáo dục về kiến thức bổ sung chương trình học phổ thông cũng như những kiến thức rất cần để mở mang trí tuệ các cháu. Xin chúc VTV7 sẽ thành công trong nỗ lực chung của toàn dân “vì một xã hội học tập”.

Một tin vui khác tuy ở phạm vi hẹp hơn nhưng cũng mang lại một thông điệp đáng trân trọng: Vì một nền văn hóa đọc. Đó là chiều qua (9-1) tại TP.HCM đã khai trương Đường sách TP.HCM trên đường Nguyễn Văn Bình. Đây là con đường nhỏ yên tĩnh tuyệt đẹp, không có nhà dân, nằm bên hông Bưu điện TP, một bên là phía sau UBND quận 1 - một địa chỉ lý tưởng để làm đường sách.

Theo lời ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phụ trách Văn phòng phía Nam thì ý tưởng thành lập đường sách TP.HCM đã manh nha từ lâu - đáng chú ý là đề xuất của nhà văn Lê Văn Nghĩa trên báoTuổi Trẻ từ năm 2014: Tại sao TP.HCM không thành lập con đường sách? Nhưng mọi chuyện trở nên gần với hiện thực hơn, nhân ngày Sách Việt Nam vào tháng 4-2015, Hội Xuất bản Việt Nam Văn phòng phía Nam đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM tổ chức cuộc tọa đàm “Đường sách TP.HCM, tại sao không?”do ông Lê Hoàng chủ trì, ba ngày trước khi khai mạc “Ngày sách Việt Nam” tại đường Nguyễn Văn Bình. Sau cuộc tọa đàm, với sự nhất trí cao về việc thành lập đường sách, Hội Xuất bản và Sở TT&TT đã phân công: Sở lấy ý kiến các ban, ngành của TP, còn Hội Xuất bản có tờ trình xin ý kiến Thành ủy. Ngày 10-10-2015, UBND TP.HCM mới ban hành kế hoạch xây dựng đường sách TP. Tức chỉ trong ba tháng vừa tổ chức thiết kế, thi công với sự hợp tác của các nhà xuất bản, các công ty sách uy tín, đường sách đã thành hình và khai trương đúng ngày Sinh viên-học sinh Việt Nam 9-1. Đường sách gồm 20 quầy sách một bên và bên kia đường, phía bưu điện là khu cà phê sách, phía ngoài góc trái bưu điện là ba kiốt chuyên bán báo chí và văn hóa phẩm. Đường sách xứng đáng là một địa chỉ văn hóa của TP mà tôi xin đọc trại đi là “Con đường sáng”.

Xin mở ngoặc nói đôi điều về một người mê sách liên quan tới việc hình thành đường sách TP.HCM. Đó là do ý tưởng và công sức của nhiều người nhưng phải ghi nhận “công đầu” thuộc về ông Lê Hoàng - một người mê sách, đã gắn bó với sách gần 30 năm qua. Từ giám đốc NXB Trẻ rồi sang làm tổng biên tập báoTuổi Trẻ, sau đó làm chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, đến khi về hưu lại trở về với sách, làm phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Lê Hoàng được bạn bè trong giới quý mến gọi là “người yêu sách”. Anh bảo: “Từ “yêu sách” nghe căng quá, tôi chỉ là “người mê sách””. Trong gần 30 năm qua, tuy có giai đoạn không trực tiếp làm sách nhưng lúc nào Lê Hoàng cũng nặng lòng với sách. Trong thời gian anh làm tổng biên tập, báo Tuổi Trẻhình thành trang “Thế giới sách”. Bấy giờNhật ký Đặng Thùy Trâm và cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc được báo Tuổi Trẻ PR đình đám, đã phát hành lên đến gần nửa triệu bản mỗi cuốn! Những con số mà nhiều người làm sách có nằm chiêm bao cũng không mơ thấy!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới