Những điểm mấu chốt trong bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Đối thoại Shangri-La

(PLO)- Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói về ảnh hưởng của chiến sự Ukraine đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, an ninh hàng hải, đặc biệt là ở Biển Đông và vấn đề Đài Loan. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-6, trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin khẳng định cam kết của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là trọng tâm của các chiến lược an ninh quốc gia Mỹ. Ông nói sức mạnh mối quan hệ đối tác của các nước trong khu vực với Mỹ là mấu chốt trong việc xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng, theo trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Mỹ và các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tầm nhìn chung

Ông Austin nói Mỹ và các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều có chung tầm nhìn và ước mơ. Tầm nhìn chung đó là xây dựng một khu vực mà không nước nào bị các quốc gia muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng bắt nạt. Theo ông, Mỹ và các nước trong khu vực muốn xây dựng một thế giới mà trong đó tất cả các quốc gia, cả lớn và nhỏ được tự do phát triển và theo đuổi lợi ích của mình một cách hợp pháp, không bị ép buộc và đe dọa.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: GIN TAY

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: GIN TAY

Bộ trưởng Austin khẳng định nền tảng chung của những điều đó là niềm tin vào trật tự tự do và rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm cam kết về quyền tự do trên biển, trên không, ngoài vũ trụ và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Dư vang chiến sự Ukraine lan đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Bộ trưởng Mỹ nói rằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trung tâm của thế giới đầy liên kết này. Tuy nhiên, sự kiện Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã làm ảnh hưởng đến khu vực. Ông nói: “Lựa chọn liều lĩnh khi mở chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc nhở chúng ta về những nguy cơ làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên quy tắc và tôn trọng”.

Dù vậy, ông kêu gọi các nước hãy “tận dụng khoảnh khắc này để đến với nhau vì mục đích chung”, “tận dụng thời điểm này để củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” và “nghĩ về tương lai mà tất cả chúng ta đều mong muốn”.

Ông nói rằng dư vang của cuộc chiến ở Ukraine đã truyền sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông nói cuộc khủng hoảng Ukraine đặt ra một số câu hỏi cấp thiết là quy tắc có quan trọng không, chủ quyền có quan trọng không và hệ thống trật tự thế giới mà Mỹ cùng các đối tác xây dựng liệu có quan trọng?

Ngay sau đó ông đã khẳng định: "Tôi ở đây bởi vì tôi tin rằng tất cả những điều đó quan trọng. Và tôi ở đây bởi vì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cũng quan trọng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương giống như ở châu Âu”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Ảnh: CHINA DAILY

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Ảnh: CHINA DAILY

Ông cho rằng những nước khác trong khu vực cũng chia sẻ quan điểm đó như Hàn Quốc, Nhật, Úc và New Zealand đã gấp rút hỗ trợ an ninh cho Ukraine, những quốc gia khác như Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ cũng đã viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Mỹ nghiêm túc cam kết an ninh với khu vực

Ông Austin lưu ý rằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm hơn 50% diện tích toàn cầu và bảo vệ khu vực này đòi hỏi đầu tư, đồng thời khẳng định Mỹ đang làm điều đó. Ông nhấn mạnh rằng trong yêu cầu ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ cho năm tài chính 2023, Bộ đã đề nghị một trong những khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử để duy trì an ninh ở khu vực này.

Khoản này bao gồm 6,1 tỉ USD cho Sáng kiến ​​Răn đe Thái Bình Dương nhằm tăng cường chia sẻ thông tin đa phương và hỗ trợ đào tạo và thử nghiệm với các đối tác. Ngân sách cũng sẽ khuyến khích đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả không gian vũ trụ và không gian mạng.

Ông nói rằng những khả năng mới này cộng với sự hiện diện của Mỹ và các đối tác, đồng minh tạo ra sự răn đe tích hợp trong khu vực. Điều này có lợi cho các đồng minh và đối tác của Sáng kiến. Trong Sáng kiến này, ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng khả năng quân sự và sức mạnh công nghệ ngày càng tăng của Ấn Độ có thể là động lực ổn định trong khu vực”.

Việc mở rộng mạng lưới quan hệ đối tác là rất quan trọng và Mỹ đang nỗ lực để đưa quan hệ đối tác với Singapore, Indonesia và Việt Nam lên cấp độ cao hơn. Ông nói: "Trong năm qua, niềm tin của tôi vào sức mạnh chiến lược của quan hệ đối tác ngày càng tăng. Đó là trọng tâm của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Joe Biden. Công việc của chúng tôi là cùng nhau giúp đảm bảo rằng tất cả các quốc gia trong khu vực, cả lớn và nhỏ, đều có tiếng nói về tương lai của mình”.

Mỹ đặc biệt chú trọng an ninh hàng hải, nhất là ở Biển Đông

Ông cho biết cuối tháng này Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC). Theo ông, động thái này nhằm phát triển các chiến thuật mới để chống lại các mối đe dọa mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp các bộ trường quốc phòng ASEAN. Ảnh: MINDEF SINGAPORE

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp các bộ trường quốc phòng ASEAN. Ảnh: MINDEF SINGAPORE

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói: “Điều này bao gồm việc đối phó với các hành động trong khu vực xám đang vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Chúng tôi đang mang toàn bộ nguồn lực của chính phủ Mỹ để làm điều đó. Điều này bao gồm các khoản đầu tư chưa từng có của Lực lượng Tuần duyên Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương."

Ông nói: “Năm tới, lực lượng cảnh sát biển Mỹ cũng sẽ triển khai một tàu tuần duyên đến Đông Nam Á và châu Đại Dương. Điều này sẽ mở ra những cơ hội mới cho việc đào tạo, huấn luyện và hợp tác đa phương. Đây sẽ là tàu tuần duyên đầu tiên của Mỹ thường trực trong khu vực”.

Ông Austin lưu ý rằng Trung Quốc đang cố gắng mở rộng quyền kiểm soát ở biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh cũng đang cứng rắn hơn với Ấn Độ dọc biên giới hai nước này.

Ông nói: "Các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không nên phải đối mặt với sự đe dọa chính trị, ép buộc kinh tế hoặc quấy rối do lực lượng dân quân biển gây ra”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện tích cực trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Chúng tôi sẽ di chuyển trên biển, trên không và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ làm như vậy cùng với các đối tác của mình”.

Cam kết với Đài Loan, chỉ trích chính quyền Bắc Kinh

Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, bao gồm hỗ trợ Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ. Ông nói: “Điều đó có nghĩa là duy trì năng lực của Mỹ để chống lại bất kỳ việc sử dụng vũ lực hoặc các hình thức cưỡng ép khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh, xã hội hay kinh tế của người dân Đài Loan”.

Ông nói: “Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự cưỡng ép ngày càng lớn từ Bắc Kinh. Chúng tôi đã thấy sự gia tăng đều đặn các hoạt động quân sự khiêu khích và gây bất ổn gần Đài Loan”.

Ông nói rằng Mỹ đang tập trung vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hiện trạng trên khắp eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, các động thái của Trung Quốc đe dọa phá hoại an ninh, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông khẳng định duy trì hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan không chỉ là lợi ích của Mỹ mà đó là vấn đề quốc tế quan tâm.

Ông nói Mỹ không muốn xảy ra xung đột hoặc đối đầu với các quốc gia khác. Mỹ cũng không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hoặc một khu vực bị chia cắt thành các khối thù địch.

Ông Austin nói: " Tôi tin rằng các cường quốc thì gánh vác những trách nhiệm lớn. Và vì vậy, chúng tôi sẽ làm phần việc của mình để quản lý những căng thẳng này một cách có trách nhiệm, nhằm ngăn chặn xung đột và theo đuổi hòa bình và thịnh vượng”.

b1+ 1676

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm