Năm 2023 cũng là năm dốc toàn lực của Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn.
Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 5-3-2023.
Nhiều doanh nghiệp chủ động mua lại trước hạn các khoản trái phiếu giá trị hơn 12.500 tỉ đồng, giúp giá trị trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối 2023 và 2024 giảm lần lượt 12% và 10% so với trước khi mua lại; qua đó giảm áp lực đáo hạn trái phiếu trong tương lai.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 08 cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu riêng lẻ, đã góp phần hạ nhiệt mức độ vi phạm nghĩa vụ nợ trên thị trường này. Tỉ lệ vi phạm nghĩa vụ nợ hiện ở mức 21% vào cuối tháng 11-2023.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo Nghị quyết 33, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cùng với đó là có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…
Nghị quyết nhấn mạnh nguồn vốn tín dụng sẽ tập trung cho các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Cơ quan hữu quan sẽ ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch… Ngoài ra là có biện pháp phù hợp, hiệu quả giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Theo Nghị quyết 33, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Trong đó, đáng chú ý là việc sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa) có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, đến các địa phương vẫn vướng mắc thủ tục cấp sổ.
Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, dù gói tín dụng ưu đãi dành cho nhà ở xã hội lên đến 120.000 tỉ đồng nhưng sau tám tháng triển khai chỉ mới giải ngân được khoảng 143 tỉ đồng. Đến nay đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay gói tín dụng này với nhu cầu vay vốn gần 25.900 tỉ đồng.
Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người tử vong vào ngày 12-9.
Sau đó, Bộ Công an có công điện gửi Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng công an các địa phương về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt là đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao.
Tháng 11-2023, cơ quan điều tra đã có quyết định bổ sung khởi tố vụ án hình sự về hành vi “lừa dối khách hàng” xảy ra tại dự án; đồng thời cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đầu tư LDG về hành vi “lừa dối khách hàng”.
Ngoài ra, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 5 bị can là cán bộ ở huyện Trảng Bom về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, vào tháng 5-2023, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến dự án gồm 500 căn biệt thự trái phép ở Đồng Nai.
Tháng 10-2023, Ông Đinh Trường Chinh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", liên quan đến việc quản lý, sử dụng khu đất số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Ông Chinh là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh Nhà (HDTC) - một doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa vào năm 2016, có nhiều dự án bất động sản lớn tại TP.HCM.
Tháng 9-2023, Bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 8.900 tỉ đồng từ 20.000 cá nhân.
Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản vừa được Quốc hội thông qua có nhiều quy định mới, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Nhiều điểm mới đáng chú ý Luật Nhà ở (mới) không quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của các chủ sở hữu nhà chung cư; Hay Tổng Liên đoàn lao động là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê.
Điểm đáng chú ý là luật kinh doanh bất động sản mới quy định rộng hơn khi cấm phân lô, bán nền thuộc khu vực phường, quận, TP cả đô thị loại III so với quy định hiện nay chỉ đến đô thị loại I.
Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản trên cả hệ thống thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản và trang thông tin điện tử của doanh nghiệp…
Về dự án Luật Đất đai sửa đổi, Tổng thư ký Quốc hội cho biết mặc dù các cơ quan đã liên tục làm việc, nỗ lực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc rà soát toàn bộ dự thảo Luật. Thực tế cho thấy việc rà soát rất mất thời gian và phát sinh thêm các nội dung cần làm rõ, hoàn thiện để bảo đảm không xảy ra vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tiễn.
Từ nay đến hết tháng 12 thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn rất lớn. Việc trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 1-2024 khó bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo Luật, vì vậy Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024).
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho biết tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Bộ trưởng Bộ Xây dựng) đã làm việc với 8 địa phương TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án BĐS trên địa bàn.
Bộ Xây dựng đã có các báo cáo về tình hình triển khai thực hiện gửi Thủ tướng Chính phủ và báo cáo trực tiếp tại các cuộc họp Tổ công tác do Thủ tướng và Phó thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Tính đến nay, tổ công tác đã nhận được 138 văn bản báo cáo tình trạng khó khăn, vướng mắc; kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án BĐS.
Tổ công tác Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 126 văn bản; gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài nguyên - Môi trường đề nghị xem xét, xử lý theo thẩm quyền 12 văn bản; ban hành 37 văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án... cho các địa phương.
Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM chính thức có hiệu lực từ 1-8-2023, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong đó Nghị quyết 98 của Quốc hội sẽ tháo gỡ rất nhiều trong việc phát triển nhà ở xã hội cho TP.HCM. Về quy hoạch, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM lập quy hoạch nhiệm vụ chi tiết, đồng thời lập quy hoạch chi tiết 1/500 để phát triển nhà ở xã hội mà không phải theo quy trình quy hoạch thông thường như hiện nay.
Liên quan đến vấn đề chỉ tiêu quy hoạch, trước đây chỉ tiêu quy hoạch phải hoàn toàn căn cứ theo quy hoạch cấp trên, căn cứ vào đồ án quy hoạch 1/5000, xuống 1/2000 rồi xuống 1/500.
Nay đối với dự án nhà ở xã hội thì cho phép áp dụng các chỉ tiêu miễn là phù hợp với quy chuẩn và đi theo pháp luật nhà ở xã hội. Nghị quyết 98 sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện được 6 tháng đến 1 năm.