Những điểm nhấn tại thượng đỉnh NATO 2023

(PLO)- Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại thủ đô Vilnius của Lithuania đã chính thức khép lại vào ngày 12-7 với nhiều điểm nhấn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại thủ đô Vilnius của Lithuania đã chính thức khép lại vào ngày 12-7 với loạt điểm nhấn, chẳng hạn như hứa hẹn kết nạp Ukraine với quy trình rút gọn, hoan nghênh Phần Lan là thành viên mới trong liên minh...

Thông qua nhiều quyết định quan trọng

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius vào ngày 12-7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh việc các nhà lãnh đạo NATO đã đưa ra các quyết định quan trọng để điều chỉnh cơ chế hoạt động của liên minh cho tương lai. Theo trang nato.int, các đồng minh đã nhất trí về các kế hoạch phòng thủ mạnh mẽ và chi tiết nhất của NATO kể từ Chiến tranh lạnh, củng cố cam kết đầu tư quốc phòng, đồng ý đưa Ukraine đến gần NATO hơn và tăng cường quan hệ đối tác trên toàn thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra tại thủ đô Washington, D.C. của Mỹ vào năm 2024, đánh dấu 75 năm kể từ ngày thành lập liên minh quân sự này.

Tại hội nghị, giới lãnh đạo NATO cho biết hoan nghênh Phần Lan là thành viên mới nhất (thứ 31) trong liên minh. “Đây là một bước đi lịch sử đối với Phần Lan và NATO. Trong nhiều năm, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với tư cách là đối tác, bây giờ chúng ta sát cánh cùng nhau với tư cách là đồng minh. Tư cách thành viên NATO giúp Phần Lan an toàn hơn và NATO mạnh hơn” - trích thông cáo thượng đỉnh NATO, theo hãng tin Al Jazeera.

Bên cạnh đó, các nước NATO cũng tái khẳng định Ukraine sẽ trở thành thành viên của khối quân sự châu Âu, đồng thời nhất trí dỡ bỏ yêu cầu về kế hoạch hành động tư cách thành viên (MAP) đối với chính phủ Kiev. “Điều này sẽ thay đổi lộ trình trở thành thành viên của Ukraine từ quy trình hai bước thành quy trình một bước. Chúng tôi cũng nói rõ rằng chúng tôi sẽ gửi lời mời Ukraine gia nhập NATO khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng” - ông Stoltenberg tuyên bố đồng thời nói thêm rằng Ukraine hiện đang “gần gũi với NATO hơn bao giờ hết”.

NATO cũng nhất trí cung cấp một chương trình hỗ trợ kéo dài nhiều năm mới dành cho Ukraine để cho phép chuyển đổi từ thời Liên Xô sang các tiêu chuẩn, đào tạo và học thuyết của NATO, cũng như thành lập Hội đồng NATO - Ukraine hoạt động như một cơ chế tham vấn khủng hoảng giữa khối này và Ukraine. Theo thông cáo chung, G7 cũng tiếp tục tăng hạn chế, trừng phạt lên Nga, đồng thời sẽ buộc những cá nhân liên quan các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng ở Ukraine phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế.

Ngày 12-7, ông Stoltenberg đã chủ trì một cuộc họp của các nước đồng minh với các nhà lãnh đạo Úc, Nhật, New Zealand, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Tổng thư ký NATO nói rằng sự quyết đoán mang tầm toàn cầu của Trung Quốc (TQ) và xung đột Nga - Ukraine đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa NATO, EU và các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa vì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Lãnh đạo các nước NATO dự hội nghị thượng đỉnh của khối tại Lithuania ngày 11-7. Ảnh: REUTERS

Lãnh đạo các nước NATO dự hội nghị thượng đỉnh của khối tại Lithuania ngày 11-7.
Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, các nước thành viên NATO cũng cam kết lâu dài đầu tư ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm cho quốc phòng, cũng như thông qua kế hoạch hành động sản xuất quốc phòng nhằm xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ và linh hoạt có thể đáp ứng bền vững nhu cầu phòng thủ tập thể của khối.

“NATO là nền tảng phòng thủ tập thể. Mục đích chính và trách nhiệm lớn nhất của NATO là đảm bảo khả năng phòng thủ tập thể của chúng ta, chống lại mọi mối đe dọa từ mọi hướng. NATO sẽ tiếp tục hoàn thành ba nhiệm vụ cốt lõi: Răn đe và phòng thủ, phòng ngừa và quản lý khủng hoảng, hợp tác an ninh” - theo thông cáo.

Các bên nói gì?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi “sự hỗ trợ thiết thực và chưa từng có của NATO đối với Ukraine” và nói rằng tại hội nghị thượng đỉnh, Ukraine đã đạt được “sự rõ ràng rằng Ukraine sẽ ở trong NATO”. “Tôi tin rằng chúng ta sẽ gia nhập NATO một khi tình hình an ninh ổn định. Nói một cách đơn giản, khi chiến tranh kết thúc, Ukraine sẽ được mời vào NATO và Ukraine rõ ràng sẽ trở thành thành viên của liên minh” - ông Zelensky viết trên Twitter cá nhân.

Phó Thủ tướng phụ trách hội nhập châu Âu và châu Âu - Đại Tây Dương của Ukraine Olga Stefanishyna nói rằng những gì đã được thông qua ở Vilnius liên quan đến Ukraine hiện tương ứng với yêu cầu tối thiểu của chính quyền Kiev. Theo bà, dù không hoàn toàn như kỳ vọng, song quá trình hội nhập của Ukraine vào NATO cũng đã được tạo ra một động lực mới.

Phát biểu tại Vilnius khi kết thúc hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã đánh giá thấp quyết tâm của liên minh quân sự do Washington dẫn đầu. “NATO mạnh hơn và đoàn kết hơn bao giờ hết. Điều này rất quan trọng đối với tương lai chung của chúng ta và chúng không xảy ra một cách ngẫu nhiên” - ông Biden tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng ông Putin đã sai khi nghĩ rằng NATO sẽ tan vỡ.

Ngay sau phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga cho biết kết quả của cuộc họp NATO sẽ được “phân tích cẩn thận” về các mối đe dọa đối với an ninh của Nga. “Xét đến những thách thức và mối đe dọa đối với an ninh và lợi ích của Nga, chúng tôi sẽ phản ứng kịp thời và phù hợp, sử dụng tất cả phương tiện và biện pháp mà chúng tôi có” - bộ này tuyên bố, theo đài RT.

Bộ này cho rằng nhân lúc chiến sự leo thang, phương Tây đưa ra một loạt hứa hẹn mới rằng sẽ cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tầm xa và hiện đại hơn nhằm kéo dài cuộc xung đột càng lâu càng tốt và nhấn mạnh Nga sẽ đáp trả bằng cách củng cố “tổ chức quân sự và hệ thống phòng thủ của đất nước”.

Trước đó, vào hôm 12-7, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng các tuyên bố được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO cho thấy thái độ chống Nga và sự sẵn sàng triển khai thêm quân gần biên giới Nga của khối, theo hãng thông tấn TASS. Ông Antonov cáo buộc Mỹ gây ra cuộc chiến hỗn hợp khiến người dân phương Tây phải trả giá và nói rằng rất ít người trong Hội nghị NATO quan tâm đến số phận của người dân Ukraine.

Ngày 11-7, phía TQ cũng lên tiếng chỉ trích hội nghị, bác bỏ cáo buộc của NATO rằng TQ thách thức lợi ích và an ninh của khối, đồng thời phản đối bất kỳ nỗ lực nào của NATO trong việc mở rộng hiện diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hãng Reuters đưa tin.•

Ông Erdogan sẵn sàng làm trung gian hòa giải xung đột Nga - Ukraine

Trong một cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 12-7 bày tỏ sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, mặc dù ông nói rằng hiện ông vẫn chưa được đề nghị đảm nhận vai trò này.

“Nếu các bên đồng ý hoặc muốn chúng tôi làm trung gian hòa giải, chúng tôi rất sẵn lòng làm như vậy. Giống như việc Istanbul đã trở thành trung gian của hành lang ngũ cốc, chúng tôi luôn sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong các hoạt động như vậy” - ông nói, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia có thể gặp cả Nga và Ukraine nhưng “cho đến nay chúng tôi chưa được tiếp cận để làm như vậy”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm