Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở London thực hiện chuyến thăm nhà nước Anh ba ngày (từ ngày 3 đến 5-6).
Việc tiếp đón long trọng của Hoàng gia Anh với ông Trump trong ngày đầu 3-6 không khỏa lấp được những điều lấn cấn lớn trong chuyến thăm Anh của ông Trump. Và những nút thắt này càng hiện rõ hơn khi ông Trump có cuộc gặp với thủ tướng chủ nhà Theresa May ngày 4-6.
Mỹ sốt ruột với thương mại, Brexit
Có thể thấy sự sốt ruột trong tìm kiếm thỏa thuận thương mại song phương với Anh của ông Trump khi ông đề cập ngay vấn đề này khi vừa gặp bà May. Ông Trump nói ông muốn có một thỏa thuận thực chất và công bằng.
Chuyện thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh lại liên quan đến Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU). Giữa tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nói Mỹ không muốn xen vào quá trình Brexit hay vào các chính sách của chính phủ mới sau khi bà May ra đi vào ngày 7-6 tới. Tuy nhiên, không thể chối bỏ thực tế là nếu Brexit diễn ra thì Anh sẽ dựa dẫm hơn vào Mỹ một khi quan hệ giữa Anh với 27 thành viên còn lại của EU đã lỏng hơn.
Có lẽ vì thế Mỹ nôn nóng mong Brexit diễn ra nhanh. Trước khi sang Anh, ông Trump từng chỉ trích bà May chậm chạp với chuyện Brexit. Trả lời phỏng vấn Sunday Times, ông Trump nói ông muốn Anh phải rời khỏi EU trong năm nay. Ông Trump nói ông ủng hộ các ứng viên sẽ kế nhiệm bà May nếu các ứng viên này có quan điểm ủng hộ Anh rời khỏi EU vào ngày 31-10 dù có hay không có thỏa thuận Brexit với EU.
Ngày 4-6, cả bà May và ông Trump thống nhất sẽ cùng theo đuổi thỏa thuận thương mại song phương sau khi Anh hoàn thành Brexit.
Vợ chồng Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump trước cửa dinh thủ tướng Anh, số 10 phố Downing ở London ngày 4-6. Ảnh: REUTERS
Anh khó xử về Huawei
Lấn cấn lớn thứ hai là về Tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc (TQ). Từ năm ngoái chính phủ Trump đã yêu cầu các đồng minh không sử dụng công nghệ và thiết bị 5G của Huawei vì lo ngại việc này sẽ cho phép chính phủ TQ do thám các thông tin và dữ liệu nhạy cảm của các nước. Năm ngoái, Úc, Nhật, New Zealand và Mỹ đã cấm Huawei tham gia các hợp đồng chính phủ vì lo ngại an ninh, dù Huawei luôn bác bỏ điều này và khẳng định mình không phải là một công cụ do thám của chính phủ TQ.
Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Anh cần phải thay đổi thái độ với TQ và Huawei. Theo ông Pompeo, TQ là mối đe dọa lớn với phương Tây không thua gì mối đe dọa từ Liên bang Xô viết trước đây. Phát biểu khi tham gia Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 1-6, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan nói Huawei “quá gần” với chính phủ TQ và điều này gây lo ngại cho các nước khi muốn hợp tác hay cho phép Huawei xây dựng mạng lưới viễn thông ở nước mình.
Trước ngày sang Anh, ông Trump cũng yêu cầu bà May cứng rắn hơn trong đối xử với Huawei. Trước đó ông Trump đã cảnh cáo Anh rằng hợp tác an ninh và chia sẻ tình báo giữa hai nước có thể sẽ tổn thương nếu Anh cho phép Huawei tham gia mạng lưới 5G của mình.
Vẫn chưa rõ quan điểm của chính phủ mới của Anh với Huawei sau khi bà May ra đi. Anh tháng trước từng nói sẽ cho phép Huawei có một vai trò hạn chế trong xây dựng mạng lưới viễn thông không dây 5G ở nước mình, theo kênh tài chính CNBC. Tuy nhiên, ngày 3-6, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết Anh sẽ cân nhắc các vấn đề kỹ thuật và chiến lược liên quan với Huawei. Theo ông Hunt, Anh chưa đi đến quyết định cuối cùng và sẽ cân nhắc không chỉ vấn đề kỹ thuật - làm sao bảo đảm không có một cửa ngầm để một nước thứ ba có thể sử dụng 5G do thám Anh, mà cả vấn đề chiến lược - đảm bảo Anh không quá phụ thuộc một nước khác về công nghệ. Bên cạnh đó, ông Hunt khẳng định việc chia sẻ tình báo giữa Anh và các nước được thực hiện thông qua các kênh bảo đảm và Huawei không bao giờ là một phần trong đó.
Anh sẽ phải chọn giữa TQ và Mỹ về chuyện này và tôi không thể thấy Anh sẽ chọn Mỹ. Chuyên gia phân tích an ninh người Anh ROBERT EMERSON |
Bất đồng về Iran
Một khúc mắc lớn nữa giữa hai nước là sẽ làm gì tiếp theo với Iran. Năm ngoái, Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1. Ông Trump cho rằng thỏa thuận không kiềm chế được chương trình hạt nhân và cả chương trình tên lửa của Iran cũng như hành động của Iran ở khu vực. Ông Trump chủ trương trừng phạt để đưa Iran quay lại bàn đàm phán thỏa thuận theo hướng thắt chặt các điều khoản hơn theo ý Mỹ.
Mặc dù Mỹ ra đi nhưng các thành viên còn lại của nhóm P5+1, trong đó có Anh vẫn khẳng định sẽ tuân thủ và tìm cách bảo vệ thỏa thuận để giữ an ninh Trung Đông, mở rộng việc không phổ biến hạt nhân, mở rộng sự hợp tác giữa các quốc gia về vấn đề hạt nhân và thậm chí bảo vệ chủ quyền châu Âu.
Đối thoại với ông Trump ngày 4-6, bà May nói Anh và Mỹ có cùng mục tiêu chung về Iran. Tuy nhiên, trước đó Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, một trong số ứng viên thay thế bà May, dù khẳng định Anh và Mỹ cùng thống nhất không cho phép Iran có vũ khí hạt nhân nhưng hai nước có cách tiếp cận khác nhau để đạt được mục tiêu này.
Như vậy, việc ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân và khôi phục trừng phạt với Iran đã gây một sự chia rẽ chiến lược giữa Mỹ và châu Âu. Dù đang muốn Brexit nhưng về vấn đề Iran thì Anh lại tương đồng với châu Âu hơn với Mỹ.
Ngày 3-6, ông Trump được bà May chiêu đãi bữa tiệc trưa với sự chuẩn bị của một đầu bếp nổi tiếng thường xuất hiện trên truyền hình, thực đơn gồm cua và phi lê bò. Bà May tặng ông Trump một món quà như để hóa giải sự bất đồng trước đó giữa hai người, đó là một khung tranh sao chép bản Hiến chương Đại Tây Dương được Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt thống nhất năm 1941. Bản hiến chương vạch ra các mục tiêu chung cho thế giới, trong đó có tự do thương mại, giảm trừ quân bị và quyền tự quyết cho mọi người, nhấn mạnh quan hệ đặc biệt xuyên Đại Tây Dương cũng như một trật tự quốc tế mà ông Trump thường chế nhạo. Đệ nhất phu nhân Melania Trump được tặng một bộ trà của nhà thiết kế người Anh Emma Bridgewater. |