Vào mùa hè, thông thường khung giờ nắng nóng nhất trong ngày từ 12h trưa đến 2-3 giờ chiều. Do vậy, nếu không có việc quá gấp, tốt nhất, chỉ nên ra đường vào buổi sáng hoặc chiều tối để tránh những giờ nắng nóng đỉnh điểm.
Đi xe máy phải đối diện với nhiệt độ cao hơn nhiều so với trong xe hơi. Mồ hôi ra nhiều khiến cơ thể nhanh mất nước, vì thế, phải cần bù nhiều nước hơn so với bình thường. Nên uống thêm những loại nước chứa nhiều muối khoáng để bù lại lượng muối đã mất khi ra nhiều mồ hôi. Nếu di chuyển đường dài, có thể mang theo bình nước dự trữ.
So với những người ngồi xe hơi, người đi xe máy sẽ cảm thấy không thể “sống nổi” nếu thiếu đồ bảo hộ bởi ánh nắng mặt trời không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn rất có hại cho da. Vì vậy, hãy chú ý mặc quần áo dài để tránh da bị thiêu đốt trực tiếp dưới ánh nắng, vừa tạo lớp cách nhiệt cần thiết, vừa tránh mất nước cho cơ thể.
Trời nắng nóng khiến người đi xe máy thường có tâm lý chạy thật nhanh hoặc tìm chỗ mát đi, tuy nhiên tâm lý này có thể gây nguy hiểm cho chính người đi xe máy và các phương tiện khác.
Bụi bẩn, cát bám ở động cơ, lọc gió, đường ống dẫn... khiến động cơ làm việc nhanh nóng hơn, giảm hiệu quả, đặc biệt dưới nhiệt độ cao. Do đó, nên rửa xe thường xuyên để làm sạch động cơ, kiểm tra lọc gió, làm sạch, thay thế nếu cần thiết. Không nên rửa xe khi máy đang còn nóng, sau khi di chuyển đoạn đường dài, nên đợi máy nguội mới rửa xe.
Hệ thống chất lỏng trong xe bao gồm nước làm mát, dầu động cơ, dầu phanh… cũng cần được thay mới định kỳ để đảm bảo khả năng làm mát tốt hơn.
Theo Thái Sơn (VOV)