Trong sữa chua có gì?
Ngoài hai thành phần chính là Lactobacillus Acidophilus và Bifido Bacterium, trong sữa chua còn bao gồm đường, đạm, chất béo và các vi chất cần thiết cho cơ thể.
Sữa chua là thực phẩm rất giàu vitamin và các chất khoáng. Hình minh họa
Theo số liệu công bố của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ, trong mỗi 100 gam sữa chua gồm có 121 mg canxi, 95 mg phôt pho, sắt 0,05 mg, các vitamin C, B6, B12, E, K, A, D, magie 12 mg, kẽm 0,59 mg…Có thể hình dung trong 100 gam sữa chua chứa khoảng 100Kcal, tức là bằng nửa chén cơm hoặc hai trái chuối xanh.
Đặc biệt, trong sữa chua có chứa một lượng rất ít chất lactose, rất thích hợp cho những ai có vấn đề về tiêu hóa mỗi khi ăn một sản phẩm được chế biến từ bơ, sữa.
Ăn bao nhiêu là đủ?
Do là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nên nhiều người cho rằng ăn càng nhiều sữa chua càng tốt. Sự thật không phải như vậy. Nếu bạn ăn quá nhiều sữa chua sẽ ảnh hưởng xấu đến dạ dày cũng như hệ tiêu hóa, làm tăng quá mức các axit dịch vị. Tình trạng này khiến bụng của bạn luôn bị cồn cào, đầy hơi, lạnh bụng rất khó chịu.
Mỗi ngày, bạn chỉ nên ăn từ 250-500 gram sữa chua là vừa đủ (từ 1-2 hộp/ngày).
Ăn sữa chua khi nào?
Sữa chua bổ như vậy thì ăn lúc nào cũng được, đó là quan niệm sai lầm. Nếu bạn ăn sữa chua lúc đói bụng sẽ tăng nguy cơ các bệnh về dạ dày bởi khi đói, nồng độ axit trong dạ dày cao, vi khuẩn axit lactic trong sữa chua khi vào dạ dày sẽ bị axit mạnh ở đó “giết chết”.
Nên ăn sữa chua sau khi ăn 1 tiếng đồng hồ để sữa chua phát huy được hết tác dụng. Hình minh họa
Nếu bạn ăn sữa chua ngay sau khi ăn cơm xong, bạn rất có thể sẽ bị tăng cân do bản thân sữa chua có nhiệt lượng nhất định. Sau ăn cơm ăn sữa chua ngay có nghĩa bạn đã nạp vào cơ thể quá nhiều nhiệt lượng so với nhu cầu cơ thể.
Thời gian thích hợp là ăn sữa chua sau khi ăn cơm khoảng 1 giờ đồng hồ để phát huy được hiệu quả tốt nhất vì lúc này dịch dạ dày đã bị loãng, môi trường này rất thích hợp cho vi khuẩn có lợi phát triển.
Ngoài ra, theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa chua ăn vào buổi tối cũng sẽ phát huy được hết tác dụng.
Sữa chua và sữa, cái nào tốt hơn?
Sữa chua được làm ra từ sữa thông qua quá trình lên men của sữa, nhưng sự khác biệt giữa sữa và sữa chua không lớn. Tuy nhiên, sữa chua tốt cho hệ tiêu hóa và giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng dễ dàng hơn so với sữa nói chung.
Bên cạnh đó, một số người không thể hấp thụ và tiêu hóa lactose có trong sữa, thậm chí còn cảm thấy khó chịu dạ dày hoặc bị tiêu chảy sau khi uống sữa. Trong trường hợp này, sữa chua là phương án thay thế khá hiệu quả.
Sữa chua trái cây rất ngon miệng và tốt cho sức khỏe. Hình minh họa
Trong thành phần của sữa chua cũng giàu canxi như sữa, nhưng nhờ có chứa axit lactic giữ lại canxi nên sữa chua tốt hơn hẳn sữa thường về vai trò thúc đẩy sự hấp thụ canxi.
Sữa chua ăn và sữa chua uống khác nhau không?
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm sữa chua ăn và sữa chua uống (sữa chua dạng nước). Đây là hai sản phẩm có nhiều điểm khác nhau vì sữa chua ăn là sữa bột hoặc sữa lên men. Còn sữa chua uống nghiêng về sản phẩm giải khát hơn là sữa.
Cụ thể, sữa chua ăn có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Theo quy chuẩn, cứ 100g sữa chua thì ít nhất cũng phải chứa tới 2,9g protein. Trong khi đó hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa chua dạng nước chỉ đạt 1/3 số đó, tức là khoảng 1g protein trong 100g.
Những ai không được ăn sữa chua?
Bé dưới 6 tháng tuổi: Các bác sĩ dinh dưỡng cũng như nhiều bác sĩ nhi khoa đều khuyên mẹ chỉ nên cho bé ăn sữa chua khi bé được 6 tháng tuổi trở lên và là loại sữa chua nguyên kem để bé có đủ chất béo trong giai đoạn phát triển đầu đời.
Chỉ nên cho bé ăn sữa chua khi bé được 6 tháng trở lên với lượng tăng dần. Hình minh họa
Bé 6-10 tháng tuổi ăn 50 gam/ngày, bé 1-2 tuổi ăn 80 gam/ngày và bé từ 2 tuổi ăn 100 gam sữa chua/ngày là thích hợp.
Người hay bị đau bụng đi ngoài, mắc bệnh đường ruột cũng phải thận trọng khi ăn sữa chua.
Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường, viêm túi mật, viêm tụy, xơ vữa động mạch cũng cần tránh sữa chua có đường và có hàm lượng chất béo cao.