Hành có nhiều công dụng, không chỉ dùng hành trong 3 ngày tết mà còn cho quanh năm tùy thuộc vào cơ địa, bệnh tật của mỗi người. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng cách, đúng cơ địa, hành cũng có thể gây ra phản tác dụng.
Tết đến xuân về, cả gia đình cùng nhau sum họp, quây quần bên mâm cỗ cúng gia tiên. Rồi đêm 30 Tết đón giao thừa, bên cạnh nồi bánh chưng bánh tết, còn chuẩn bị dưa món, chua ngọt trong 3 ngày tết thay cho thịt mỡ có phần hơi ngán. Lẳng lặng không ồn ào, củ hành góp mặt trong dưa món, chua ngọt.
Theo tây y, hành thuộc họ Hành Tỏi, đều chứa allicin – một kháng sinh rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin. Hành vừa tăng cường miễn dịch vừa diệt vi khuẩn gây bệnh. Vì thế, hành rất hiệu nghiệm đối với các bệnh cảm cúm, viêm nhiễm trong cơ thể.
Hành còn có tác dụng điều tiết thân nhiệt, tạo điều kiện hoạt động của tuyến mồ hôi; và làm tiêu cục máu đông gây tắc mạch máu. Ăn hành đều đặn với lượng vừa phải sẽ giúp hạ cholesterol máu, cản trở sự tích tụ cholesterol trên thành mạch máu. Hành có chứa “insulin thảo mộc” nên dùng tốt cho bệnh nhân tiêu đường.
Để dùng hành phòng chữa bệnh có hiệu quả bằng cả hai hình thức ăn và thuốc, cần bảo toàn tác dụng của tinh dầu và men rất dễ bị phân hủy. Hành tươi sống có tác dụng mạnh hơn hành luộc chín. Hành nên nghiền nát để tế bào thoát hoạt chất, sau đó để vài phút cho men chuyển hoạt chất thành chất cho tác dụng dược lý cần thiết. Là gia vị, hành nên cho vào sau khi nấu chín món ăn và chỉ để một lúc, tránh để hoạt chất quý bị nhiệt phá hủy.
Theo đông y, hành có tính ấm nên tránh dùng cho người có dương thịnh, hỏa bốc. Ăn quá nhiều sẽ gây phản tác dụng như có thể làm mắt mờ, tóc chóng bạc, thậm chí cản trở ra mồ hôi.
Phụ nữ có kinh sớm, kinh nhiều nên tránh ăn nhiều hành. Ngoài ra, không được dùng hành cũng mật ong và không được dùng ở người huyết áp cao./.