Những đóa hoa dấn thân vào tâm dịch COVID-19

Hơn 100 ngày TP.HCM trở thành tâm dịch của cả nước, với điều dưỡng Nguyễn Thị Tính, PV Diễm Hằng, sinh viên Vũ Trà My là những ngày tháng đặc biệt, gắn với những kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời.

“Tôi đã chuẩn bị tâm lý đi chống dịch đến tết”

Mặc dù đoàn có kế hoạch rút về Quảng Ninh vào cuối tháng này nhưng điều dưỡng Nguyễn Thị Tính (Khoa nhi BV tỉnh Quảng Ninh) vẫn nấn ná ở lại khi nghe tin miền Tây dịch căng thẳng đang cần chi viện. Tính mới đề đạt nguyện vọng ở lại và sẵn sàng xuống chi viện miền Tây cùng đoàn y bác sĩ BV Da liễu TP.HCM.

Tính chia sẻ nhờ có hậu phương vững chắc mà chị yên tâm miệt mài chống dịch. Chồng Tính làm ngành du lịch, lúc trước thường hay xa nhà, nay lại được nghỉ. Do đó, anh “bao show” việc chăm sóc hai con trai sinh đôi chỉ mới hai tuổi rưỡi.

Trước ngày đi, Tính cũng dặn dò các đồng nghiệp ở Khoa nhi thay mình chăm sóc sức khỏe cho con, vì hai bé sinh non hay bị tình trạng viêm phế quản tái phát.

Dự cảm của người mẹ đến sớm hơn khi chỉ đi được 3-4 ngày, hai bé quấy khóc, nóng sốt và chồng Tính cũng đổ bệnh theo con. Tuy nhiên, Tính cũng yên lòng khi đồng nghiệp đã đến tận nhà thăm, khám cho hai bé và cho thuốc, nhờ vậy ba ngày sau ba cha con đã khỏe lại.

Tính bộc bạch: “Đây là trải nghiệm mà sẽ không bao giờ có lần thứ hai trong cuộc đời tôi. Không hiểu sao khi nghe cả nước tang thương, tôi đứng ngồi không yên, chỉ mong đóng góp được nhiều hơn. Khi ra về, các bệnh nhân đều gửi lời cám ơn tụi mình rằng bản thân họ đã được về nhà rồi mà nhân viên y tế vẫn chưa được về thì họ thương lắm. Tình cảm đó, lời nhắn gửi đó khiến mình rất cảm động”.

Vẫn còn run khi nhớ đến cảnh cấp cứu bệnh nhân COVID-19

PV Diễm Hằng, báo Sức Khỏe Và Đời Sống (Bộ Y tế), chia sẻ những ngày đầu tháng 7, tình hình dịch tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam bắt đầu bùng phát mạnh, chị được lãnh đạo cơ quan giao nhiệm vụ lên đường vào miền Nam để tác nghiệp.

Khi nhận được quyết định, Diễm Hằng khá hồi hộp nhưng với tinh thần và sức trẻ của mình, Hằng nghĩ đây là cơ hội tốt để mình trưởng thành, học hỏi thêm kỹ năng, kinh nghiệm làm nghề.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Tính cùng các đồng nghiệp BV  tỉnh Quảng Ninh chi viện cho BV dã chiến số 12. Ảnh: NVCC

“Tôi cũng rất may mắn vì luôn có lãnh đạo, gia đình, các anh chị trong đoàn công tác và y bác sĩ động viên, hỗ trợ để hoàn thành công việc. Có lẽ đây là chuyến công tác tôi không bao giờ quên và là kỷ niệm đáng ghi nhớ trong sự nghiệp làm báo” - nữ PV chia sẻ.

Khi vào các khu điều trị bệnh nhân COVID-19, các thiết bị tác nghiệp của PV đều phải bọc kín nên các hình ảnh, video, ghi âm đều mờ hoặc khó sử dụng. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít cũng là yếu tố khiến việc tác nghiệp trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Diễm Hằng cho hay những vấn đề chị gặp phải chưa là gì so với đội ngũ y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch phải chịu.

“Chứng kiến cảnh các bác sĩ cấp cứu để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân tôi cảm thấy run sợ, những hình ảnh đó vẫn còn in rõ trong tâm trí tôi đến bây giờ. Thậm chí, có những lúc tôi đã muốn buông máy ảnh qua một bên để hỗ trợ nhân viên y tế cấp cứu bệnh nhân, mặc dù mình không có chuyên môn nhưng vẫn muốn giúp một tay. Tôi nghĩ nếu ai rơi vào hoàn cảnh đó chắc chắn cũng muốn lao vào giúp chứ không riêng gì tôi” - Diễm Hằng nói.

Việc PV tác nghiệp tại vùng dịch nguy cơ lây nhiễm rất cao, vì vậy Hằng phải cẩn thận từng chút một. Chị không quá lo lắng mình nhiễm bệnh mà chị lo mình lây bệnh cho người khác. Rất may mắn, sau 50 ngày công tác, Diễm Hằng an toàn trở về Hà Nội.

“Chuyến đi khiến tôi trưởng thành hơn biết bao nhiêu”

Vào những ngày giữa tháng 8, Vũ Trà My, sinh viên Trường CĐ Y tế Bạch Mai (Hà Nội), nhận được tin kêu gọi lên đường chi viện TP.HCM cùng gần 800 sinh viên và 43 thầy cô của Trường CĐ Y tế Bạch Mai, với cảm xúc khó tả, hồi hộp, nôn nao cả đêm không ngủ được.

“Có lẽ vì thấy những mất mát của người dân TP.HCM quá lớn, tôi rất muốn làm được điều gì đó dù nhỏ bé để giúp đỡ họ. Với tiếng gọi của Tổ quốc, một sinh viên ngành y như mình không thể làm ngơ, nhất định quyết tâm lên đường. Trước khi đi là cái ôm thật chặt với bà nội, là cái nhìn thật lâu với bố mẹ” - nữ sinh viên năm hai ngành y chia sẻ.

“Chiến trận” của Hà My là con hẻm rất sâu 258 thuộc phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM - nơi là vùng đỏ lúc bấy giờ. Tiếng máy thở của bệnh nhân vang lên tít tít, tiếng ho cùng tiếng thở khò khè phát ra sau những cánh cửa đóng im lìm đủ gây ám ảnh và nhói lòng nữ sinh viên. Lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn bệnh nhân thở đúng cách, tư vấn sử dụng thuốc, động viên tâm lý... Mỗi ngày của Hà My cùng bạn bè, thầy cô và nhân viên y tế trôi qua tất bật, nhọc nhằn.

“Được sự động viên, chỉ bảo của thầy cô và các anh chị nhân viên y tế, được gia đình chia sẻ, được người dân Sài Gòn quý mến, tin tưởng… những cảm xúc sau mỗi ngày trong tôi cứ đầy ắp, cảm thấy chuyến đi của mình thật ý nghĩa. Phải nói đây là chuyến đi khiến tôi trưởng thành hơn biết bao nhiêu, đem tới những kỷ niệm mà không phải ai cũng có được, không phải ở đâu cũng mang lại được...” - Trà My trải lòng.

“Cổ họng nghẹn ứ trong những ngày cuối cùng...”

Chứng kiến cuộc sống của người dân từ những ngày gian lao nhất, chứng kiến con hẻm 258, phường Nguyễn Thái Bình từ vùng đỏ trở về vùng xanh an toàn, làm cổ họng tôi nghẹn ứ trong những ngày cuối cùng còn hỗ trợ TP... Mong sao cho TP.HCM sớm quay lại bình an, nhộn nhịp như trước kia. Và hẹn gặp lại TP trong một ngày không xa.

VŨ TRÀ MY, sinh viên Trường CĐ Y tế Bạch Mai (Hà Nội) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới