Mực khô là món ăn được nhiều người tiêu dùng yêu thích, nhất là trong các tiệc bia rượu hay mua tích trữ hoặc làm quà tặng. Tuy nhiên hiện nay có nhiều hiểm lầm về cách bảo quản cũng như không phân biệt được khi nào mực khô đã bị mốc và khi nào mực an toàn để sử dụng.
Trước vấn đề này trao đổi cùng PLO.vn, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học & Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết đối với mực nhiều người nhìn thấy có các đám trắng phủ trên thân mực thì tưởng là bị mốc, thực tế đấy chỉ là lớp phấn kết tinh của muối và các chất trong cơ thể. Chỉ khi nào thấy trên thân mực có các vết xanh, đen thì đấy mới là bị mốc. Vị chuyên gia này cho hay nếu mực bị mốc rất ít thì có thể cắt bỏ cái phần bị mốc đi, nhưng nếu thấy hiện tượng bị mốc nhiều thì tốt nhất nên vứt bỏ.
Mực khô xuất hiện những đốm mốc xanh hoặc đen cần được loại bỏ và không nên sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào. Ảnh: Internet
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng tin rằng việc rửa sạch hoặc phơi dưới nắng là cách khử trùng tốt nhất lớp nấm mốc trên thân của mực. Tuy nhiên PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho rằng đây là cách làm hoàn toàn sai lầm.
“Thực phẩm đã bị nấm mốc thì dù có cạo rửa sạch, phơi dưới ánh nắng mặt trời cũng không thể làm hết mốc được. Trong thực phẩm mốc chứa vi nấm có thể gây ung thư gan, tốt nhất bạn không nên sử dụng”, vị chuyên gia khuyến cáo.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cũng thông tin thêm, việc cạo cho hết mốc rồi phơi dưới nắng cũng không làm cho mực hết độc. Ánh nắng mặt trời chỉ có tác dụng hút ẩm và làm khô thực phẩm. Ngay cả rửa bằng nước có thể sẽ không nhìn thấy vết nấm nhưng độc tố đã ngấm sâu vào bên trong thực phẩm.
Không chỉ đối với mực khô, mà với bất kể loại thực phẩm khô nào đã bị mốc, lốm đốm xanh, đen thì tuyệt đối không nên tiếc rẻ, tốt nhất nên vứt bỏ để tránh nguy cơ tích tụ các độc tố trong nấm mốc vào cơ thể qua đường ăn uống.
“Để đảm bảo an toàn cho thực phẩm khô, người tiêu dùng nên cất trữ ở nơi khô ráo, thoát mát như bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đá của tủ lạnh”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Cần cất trữ mực khô đúng cách để tránh hư hỏng và nấm mốc. Ảnh: Internet
Ngoài ra, sau khi mua mực hoặc thực phẩm khô khác người tiêu dùng nên phơi lại 2-3 nắng cho thật khô rồi bảo quản. Theo đó để bảo quản, chúng ta có thể để vào lọ thủy tinh có nắp đậy hoặc gói kín bởi 2-3 lớp giấy, sau đó quấn bên ngoài một lớp ni-lông để ngăn mùi lan sang các loại thực phẩm khác, rồi đặt lên ngăn đá tủ lạnh (nhiệt độ tốt nhất là -18⁰C). Cách làm này sẽ giúp bảo quản thực phẩm được lâu dài mà tránh bị mốc, hoặc hư hỏng khác.