Các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An đang vào mùa thu hoạch sứa biển. Đây được coi nguồn lợi thủy sản có giá trị để xuất khẩu, và là món ăn yêu thích của nhiều người vào các dịp nắng nóng.
Tại Việt Nam, sứa biển được sử dụng khá phổ biển để chế biến một số món như gỏi, nộm, lẩu, canh, bún...Tuy nhiên nếu không biết cách chế biến, sứa biển sẽ gây độc cho người sử dụng.
Độc tố trong sứa biển
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (VFA), Bộ Y tế, sứa là động vật không có xương sống, sống ở biển hay những nơi nước mặn. Trong sứa biển có nhiều protein, ít lipid, các chất khoáng... song sứa còn sống lại chứa nhiều độc tố khi chạm phải, con người sẽ bị dị ứng.
Cụ thể độc tố của sứa biển, thường tập trung ở các xúc tu, chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst. Các tế bào này đều rất nhỏ và có độc. Một số loài sứa có đến hàng triệu nematocyst trong xúc tu, được sử dụng khi sứa bắt mồi và tự bảo vệ. Khi bị sứa cắn, các độc tố này sẽ ngấm qua da người xâm nhập vào cơ thể, nếu nhẹ, nạn nhân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. Toàn thân chỉ cảm thấy khó chịu, không nên quá lo lắng.
Trong sứa còn sống lại chứa nhiều độc tố khi chạm phải, con người sẽ bị dị ứng. Ảnh: Nguyên Hà
Song theo VFA, khi độc tố xâm nhập vào cơ thể con người ở thể nặng có thể gây đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt...
Ở thể tối cấp, tai biến xảy ra tức thì sau khi độc tố của sứa biển xâm nhập vào máu nạn nhân. Lúc này nạn nhân nôn nao, nhức đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở nhanh, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt. Người bị nhiễm độc tố đi vào trạng thái lơ mơ, nhiều khi co giật, có thể hôn mê cần đưa ngay vào bệnh viện để chống sốc phản vệ.
Ở thể cấp hay bán cấp, sau chừng 15 phút chạm phải sứa, nạn nhân ngứa ở bàn tay, bàn chân, trên da nổi ban đỏ từng vùng, nổi mày đay toàn thân, phù quineke ở mắt, môi, mặt, thanh quản nên ngạt thở, mạch nhanh, yếu. Tim đập nhanh đều, huyết áp hạ thấp, ho khan, khó thở khò khè. Thanh quản phù gây khó thở. Nạn nhân buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chảy nước mắt, chảy nước mũi, vã mồ hôi. Đây là biểu hiện sốc phản vệ, cần đưa ngay vào bệnh viện chống sốc.
Chế biến sứa biển đúng cách
VFA cũng đưa ra cảnh báo vào mùa xuân hè là thời điểm sinh sản của sứa biển nên chúng thường tích lũy nhiều độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Do đó, trong quá trình chế biến sứa phải ngâm qua 3 lần trong nước muối và phèn, khi đó, thịt sứa sẽ chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới đem sử dụng chế biến làm thức ăn.
Cần chế biến sứa biển đúng cách để tránh gây độc khi ăn. Ảnh: Nguyên Hà
Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên sử dụng sứa biển tươi (chưa qua chế biến) làm thức ăn, làm gỏi ăn sống, đặc biệt không sử dụng làm thức ăn cho trẻ em nhỏ (kể cả sứa đã qua chế biến). Chỉ sử dụng sứa biển đã qua chế biến đúng cách để phòng tránh nhiễm độc từ món ăn này.