Nhiều người vẫn thường tin rằng, ăn nhiều cơm sẽ cung cấp năng lượng cho một ngày dài khiến cơ thể khỏe hơn và cảm giác no lâu hơn.
Song PGS Lê Bạch Mai (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) trả lời trên báo chí rằng chúng ta cần phải thay đổi quan niệm bữa cơm thành bữa ăn vì thói quen ăn quá nhiều cơm trắng không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, bạn nên ăn đa dạng thực phẩm, ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường chất xơ, tập thể dục để tiêu hao năng lượng, người khỏe mạnh hơn…
Ăn cơm trắng kết hợp rau của để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Ảnh: Internet
PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Vân - Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường BV Bạch Mai, cũng cho biết bệnh đái tháo đường gia tăng chủ yếu là do lối sống, yếu tố nội tại cộng thêm thói quen lười vận động chính là nguy cơ khiến số người mắc tiểu đường ngày càng tăng. Cô cũng cho biết: “Ăn nhiều cơm trắng là đường gluco sinh ra nhiều chất bột đường, gây ra tình trạng thừa năng lượng. Nếu lười hoạt động không tiêu thụ hết năng lượng sẽ là nguyên nhân dẫn tới bệnh đái tháo đường".
Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu mới đây của Đại học Y tế công cộng Harvard (Mỹ) cho biết ăn gạo trắng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường, thậm chí cao hơn rất nhiều so với đồ uống có ga. Họ đã phân tích dữ liệu từ bốn nghiên cứu lớn, liên quan đến 350.000 người trong 20 năm. Kết quả cho thấy ăn một bát cơm trắng mỗi ngày tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 11%. Nghiên cứu còn cho thấy mối liên hệ giữa gạo trắng và bệnh tiểu đường cao hơn ở người châu Á so với người châu Âu.
Trên tờ Straistimes, Ông Zee Yoong Kang, Giám đốc điều hành của Hội đồng Xúc tiến Y tế (HPB), Singapore cho biết béo phì và đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tiểu đường ở phương Tây. Nhưng gạo trắng lại là nguyên nhân khiến người châu Á rất dễ mắc căn bệnh này. Theo ông, tinh bột trong gạo trắng có thể làm quá tải lượng đường trong máu ở các cơ quan trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Theo ông Zee, nghiên cứu không yêu cầu con người phải ngừng ăn cơm, mà cần chọn một loại gạo lành mạnh hơn. Gạo trắng hạt dài cũng tốt hơn so với loại hạt ngắn trong việc tăng nồng độ đường trong máu. Vì sự gia tăng lượng đường trong máu khi bạn ăn gạo trắng trở nên nhanh chóng hơn, khiến tuyến tụy sản sinh ra nhiều insulin làm việc vất vả hơn. Nếu điều này diễn ra thường xuyên, việc hấp thụ đường cũng sẽ giảm hiệu quả, lượng đường tồn đọng trong máu sẽ gây hại thận, dẫn tới bệnh tiểu đường. Ông cũng khuyên mọi người nên thử thay thế 20% loại gạo trắng họ ăn bằng gạo nâu. Điều này giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tới 16%.
Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cho biết căn bệnh tiểu đường tiêu tốn 1 tỉ USD mỗi năm và cũng là nguyên nhân chính gây mù, suy thận ở đất nước này. Tiến sĩ Stanley Liew, chuyên gia tại BV Raffles, đã khuyên mọi người nên ăn ít gạo hơn. Ông cũng nói thêm rằng đồ ăn nhanh và nước uống có ga cũng là nguyên nhân khiến cho sức khỏe của chúng ta trở nên xấu đi.
Do đó để bữa ăn thực sự ngon miệng và đảm bảo dinh dưỡng chúng ta nên kết hợp cơm trắng với đa dạng các loại thực phẩm như rau, thịt, hoa quả..., có chế độ ăn uống khoa học để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả gia đình.