Những 'lằn ranh đỏ’ tại Đối thoại Shangri-La

(PLO)- Điều quan sát được tại Đối thoại Shangri-La vừa qua là những “lằn ranh đỏ” mà nhiều nước đã đặt ra, cần thiết phải được quản lý một cách cẩn trọng và khéo léo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tuần qua, tâm điểm toàn cầu đổ dồn về Đối thoại Shangri-La hay còn gọi là Diễn đàn an ninh cấp cao châu Á, được tổ chức ở Singapore. Tại diễn đàn này, hai sự kiện đáng chú ý là cuộc gặp trực tiếp giữa hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc sau hơn 18 tháng và sự xuất hiện của Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky.

Nhận dạng 'lằn ranh đỏ’
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tại Đối thoại Shangri-La (Singapore) hôm 31-5. Ảnh: REUTERS

Ở thời điểm căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp hiện nay, những diễn đàn như Đối thoại Shangri-La đóng một vai trò quan trọng để các cường quốc trao đổi, giao tiếp với nhau nhằm tăng cường hiểu biết và xoa dịu những khác biệt, theo kênh Channel News Asia.

Một chức năng quan trọng của Đối thoại Shangri-La năm nay là đảm bảo rằng các bên, đặc biệt các bên đang tranh chấp, cạnh tranh với nhau, hiểu được “lằn ranh đỏ” của nhau.

Quan hệ Mỹ-Trung

Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân tại Đối thoại Shangri-La hôm 31-5 có ý nghĩa quan trọng vì đây là lần đầu tiên hai bộ trưởng gặp mặt trực tiếp sau cuộc hội đàm trực tuyến hồi tháng 4.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, việc liên lạc trực tiếp như vậy tạo điều kiện cho các tương tác thực chất hơn và giảm thiểu rủi ro quân sự giữa hai bên.

Trên thực tế, việc nối lại đối thoại quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là việc hai nước đồng ý thiết lập một "nhóm công tác về khủng hoảng-liên lạc” vào cuối năm nay, là điều đáng khích lệ, ngay cả khi rõ ràng là những khác biệt cơ bản vẫn tồn tại.

Hai ngày sau cuộc gặp song phương, ông Đổng Quân có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, trong đó ông nhấn mạnh Đài Loan là “vấn đề cốt lõi” đối với Trung Quốc. Ông Đổng cũng chỉ trích Mỹ đang thử thách “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc khi bán vũ khí cho hòn đảo này.

Vấn đề Biển Đông

Phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La hôm 31-5, Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr đã vạch ra "lằn ranh đỏ” của Manila trên Biển Đông nếu các tàu Hải cảnh Trung Quốc làm một công dân Philippines thiệt mạng.

“Nếu một công dân Philippines bị giết do một hành động cố ý, tôi nghĩ điều đó rất gần với những gì chúng tôi định nghĩa là một hành động chiến tranh và do đó chúng tôi sẽ đáp trả tương ứng” - ông Marcos cho biết.

httpscms-image-bucket-production.jpg
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thiết lập các “lằn ranh đỏ” có thể là một điểm gây tranh cãi vì bên kia có thể không chấp nhận hoặc thừa nhận tính hợp pháp của chúng.

Chẳng hạn, phản hồi về bài phát biểu của ông Marcos, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Philippines “hoàn toàn chịu trách nhiệm” về sự leo thang gần đây ở Biển Đông.

Giá trị và nguy cơ khi vạch ra "lằn ranh đỏ" phải được cân nhắc, vì nếu không khéo léo, các quốc gia có thể chìm sâu hơn vào tình trạng leo thang căng thẳng. Đó là lý do tại sao tất cả các quốc gia đều có nhiệm vụ quản lý những "lằn ranh đỏ" một cách hợp lý nếu họ không thể giải quyết được vấn đề.

Trách nhiệm thuộc về tất cả

Tất cả các quốc gia, từ nước lớn cho đến nước nhỏ, đều có chung trách nhiệm trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Tại Đối thoại Shangri-La, Tổng thống đắc cử Indonesia - ông Prabowo Subianto nhấn mạnh rằng vị thế cường quốc yêu cầu các quốc gia này có nghĩa vụ tương xứng. Trong khi đó, Thủ tướng Lithuania - bà Ingrida Simonyte đề cập cơ chế của các quốc gia nhỏ để “đạt được sức mạnh thông qua sự đoàn kết”.

Dù vậy, một số thách thức vẫn khó giải quyết. Một kết thúc hòa bình và công bằng cho các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza vẫn còn xa vời. Vì vậy, tất cả các nước phải có trách nhiệm hình dung lại các giải pháp cho hòa bình và ổn định và cần có thêm nhiều quốc gia đứng lên chống lại những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng khu vực và toàn cầu.

Có một số cơ hội để các quốc gia tìm kiếm những cách tiếp cận mới, chẳng hạn như các hình thức hợp tác thay thế có thể phá vỡ các rào cản chính trị hiện có. Các giải pháp thành công cho những thách thức đang diễn ra có thể sẽ rất ít và xa vời trong thời gian tới. Nhưng vì hòa bình, ổn định lâu dài thì các quốc gia nhất thiết phải tiếp tục cố gắng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm