Những người làm nên huyền thoại - Bài 4: Nỗi oan gần nửa thế kỷ

Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Ba, vợ của anh hùng Hồ Đức Thắng mà chúng tôi đã giới thiệu trên số báo hôm qua (21-10).

Một chiều cuối thu, tôi trở lại vùng quê biển Hiệp Thạnh (Cầu Ngang, Trà Vinh) để tìm gặp bà. Bước vào nhà, vừa nhắc chuyện nỗi oan tình ngày trước, bà đã sụt sùi, kéo vội chiếc khăn rằn trên vai chấm nhanh dòng nước mắt. Lâu, lâu lắm rồi bà đã cố nén nỗi oan khiên ấy vào lòng, giờ sự khơi gợi bất chợt làm bà xúc động.

Còn nhớ lần gặp trước cách nay bảy năm, bà không hề rơi giọt nước mắt nào khi nhắc chuyện đứa con gái út mà người ta cho là con hoang rồi kỷ luật bà. Có điều, nay gặp lại chỉ mình bà thôi, còn người chồng đã về với biển, bỏ bà sáu năm nay rồi…

Án “con hoang”

Ở cái tuổi 85, bà Nguyễn Thị Ba còn khá minh mẫn dù tóc đã bạc trắng, lưng khom oằn, chậm chạp từng bước. Thi thoảng bà vẫn ngó xa xăm về phía biển, nơi ấy hàng phi lao rừng phòng hộ cứ mãi vi vút một trường ca biển cả. Quê biển ấy, mỗi độ gió chướng về, bên tiếng sóng rì rào xa xa, bao chuyện xưa cũ trong ký ức bà lại chợt quay về.

Bà kể quê bà ngày đó nghèo lắm, phải tảo tần lúc thì đi chằm lá thuê, lúc cấy lúa mướn. Năm 1945, bà tham gia nữ du kích xã. Sáng đi chằm lá mướn đến 3 giờ chiều, lén trốn cha mẹ tập quân sự để đi đánh đồn bót giặc. Bà từng tham gia đánh đồn Bến Đáy, Mỹ Long (Trà Vinh). Ông cũng tham gia cách mạng, rồi cả hai được tổ chức tuyên bố trong rừng vào cận tết năm 1948.

Ông tham gia cách mạng rày đây mai đó. Lần nọ, nghe ông về ở Cồn Cù (ngày ấy thuộc xã Trường Long Hòa, Duyên Hải), mặt trời vừa khuất sau hàng cây, bà tay xách nách mang dẫn đứa con gái 10 tuổi cùng hai em nó lội băng rừng gần 20 cây số đi thăm chồng. Mò mẫm mãi giữa đêm trời tối mịt mới xuống được Cồn Trứng rồi ngủ lại một đêm. Sau đó nhờ cậu Mười Đèo, cậu của mấy đứa nhỏ, đi bộ đội, rước đưa ra Cồn Cù. Lần đó cậu nó lội nước kéo xuồng đưa mấy mẹ con đi đạp phải cá ngát chân nhức buốt cả đêm. Sau mấy đêm gặp mặt chồng ở Cồn Cù, ông đi biền biệt luôn. Bà cũng chỉ mường tượng ông đi làm cách mạng xa, chứ chưa hề biết ông đi đâu.

Những người làm nên huyền thoại - Bài 4: Nỗi oan gần nửa thế kỷ ảnh 1

Đất nước đã hòa bình, thống nhất 36 năm nhưng nỗi oan của bà Nguyễn Thị Ba vẫn chưa được giải. Ảnh: Nguyên Vẹn

Sau lần thăm ông ở Cồn Cù, cái bào thai con gái út trong bụng cứ lớn dần. Gái không chồng mà chửa, lời ra tiếng vào đã đến tai tổ chức. Thế rồi chi bộ mang ra kiểm thảo vì cho rằng quan hệ bất chính. Và bà phải chịu kỷ luật cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng. “Vì bí mật cho chồng, tôi chấp nhận xấu hổ, cắn răng chịu đựng” - bà kể. Một nỗi đau quặn thắt trong lòng nhưng vẫn phải lặng câm để giữ bí mật cho chồng, cho cách mạng. Đêm về nằm mà nước mắt lăn dài, ray rứt: “Con này là con ổng, chứ con hoang bao giờ đâu!?”. Nhưng bà không biết tỏ cùng ai…

Còn đó một nỗi oan chưa giải

Qua báo Pháp Luật TP. HCM, chúng tôi ghi nhận sự việc và rất mong báo chí cung cấp thêm thông tin về trường hợp nỗi oan của vợ anh hùng Hồ Đức Thắng. Nếu thật sự vậy, chúng ta phải có trách nhiệm. Chúng tôi sẽ làm văn bản xin ý kiến của UBKT Trung ương. Nếu thấy hợp lý, UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về vấn đề này.

Bà Lê Thúy Kiều, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Trà Vinh

“Năm 1967, tôi sinh con út Huệ. Càng lớn nó càng giống ba như đúc. Khi lên tám tuổi, nó cứ hỏi ba con đâu rồi vú. Bất chợt tôi nghẹn lòng, vội quay mặt đi che dòng nước mắt. Càng tủi hơn, ngày giải phóng, ổng về, nó đứng ôm cột nhà, mắt tròn xoe, vô tư: “Ông đó là ba con đó hả vú?”. Như có một cái gì chặn ngang cổ họng, tôi gật gù: “ừ, ba con đó!”. Tụi nó chạy ùa tới ôm mừng ba, thiệt hết sức ngỡ ngàng” - bà Ba lại nghẹn lời.

Còn nhớ cách nay bảy năm, cũng tại ngôi nhà vùng biển Hiệp Thạnh này, bên tiếng sóng biển gầm vọng xa xa, chúng tôi ngồi cả buổi nghe ông Thắng kể chuyện cổ tích đời mình về những chuyến tàu Không Số xuôi Bắc về Nam. Từ năm 1961 đến 1966, ông đã 16 lần chuyển vũ khí vào Nam với tư cách là chính trị viên tàu 55, đoàn 125 hải quân. Ký ức về đồng đội ùa về, ông già lại trầm ngâm ngó về phía biển. “Khi chúng tôi ra đi có đủ sáu anh em: Đoàn, Kết, Đấu, Tranh, Thắng, Lợi. Giải phóng về chỉ còn Thắng và Lợi”.

Đang chuyện vãn, chợt ông hướng mắt về phía chái bếp, giọng buồn buồn: “Tội nghiệp nhất vẫn là bà nhà tôi! Phải nuôi bảy đứa con với bốn trai, ba gái. Ấy vậy mà bà phải chịu một “oan án” tới giờ không giải được. Bà bị kỷ luật Đảng sau cái lần gặp tôi ở Cồn Cù rồi sinh thêm con út Huệ, trong khi tôi đi biền biệt mất rồi!”.

Lúc ấy ông đã 82 tuổi. Quy luật đất trời có sinh có tử, tiếc rằng sau đó không lâu ông đã về với biển cả…

“Ngày ba mất, có một cán bộ tỉnh về dự đám nói sẽ về chỉ đạo giải oan cho má tôi nhưng rồi không thấy gì hết…” - chị Hồ Thị Kim Sáu, con gái ông Thắng, kể.

Và rồi đến nay, khi cả nước đang kỷ niệm 50 năm con đường huyền thoại, câu chuyện oan khiên của vợ người anh hùng vẫn chưa hề có đoạn kết.

Cắn răng chịu án

... Hồi 1961, lệnh rút sáu anh em chúng tôi để vượt biển ra Bắc là lệnh trực tiếp của Tỉnh ủy, hết sức bí mật, ngay trong Tỉnh ủy cũng chỉ có một, hai đồng chí thường vụ trực tiếp lo công việc này biết. Vợ tôi lúc đó đã là đảng viên trong chi ủy mà tôi cũng không dám hé răng tâm sự chút gì...

Tôi ra Bắc, rồi đi tàu bí mật trở về khắp các bến… Vợ tôi là chi ủy viên, hoạt động bí mật trong ấp chiến lược, nhớ và lo lắm. Nhưng tuyệt đối không hề dám nghĩ tới chuyện thư từ liên lạc, đừng nói gì đến về thăm, gặp mặt...

Đến chuyến thứ chín, cuối năm 1964, tôi lại được trở về bến Trà Vinh. Lần này đồng chí phụ trách bến gọi tôi lên, hỏi:

- Có muốn gặp vợ không?

Tôi chắc anh ấy thử mình nên trả lời:

- Không dám nghĩ tới chuyện đó đâu. Tùy tổ chức thôi.

Ai dè các anh thương, bố trí cho vợ chồng tôi gặp nhau thật.

Điều kiện ở bến khó khăn vậy mà các anh vẫn bố trí cho vợ chồng tôi một “căn lều hạnh phúc” trong một khu rừng kín. Ở với nhau được hai ngày...

Từ đó cho đến hết chiến tranh tôi còn đi nhiều chuyến nhưng không còn chuyến nào được trở lại Trà Vinh. Cũng không hề nhận được tin tức gì của vợ con nữa...

… Mãi đến sau 1975 tôi về thăm nhà mới biết: thì ra lần ấy gặp nhau trở về vợ tôi có thai. Cơ sự bỗng trở nên hết sức phức tạp bởi việc tôi trở về bến Trà Vinh không ai biết.

Đối với mọi người, vợ tôi là vợ của một chiến sĩ quân giải phóng đang đánh Mỹ ở đâu đó. Vậy mà bây giờ, đùng một cái lại có chửa! Với ai? Chỉ có thể là chửa hoang!

Lúc đầu vợ tôi còn lúng túng che giấu nhưng rồi bụng càng ngày càng to, không thể che giấu được nữa. Cha mẹ tôi khinh bỉ và đau khổ. Chi bộ gọi lên kiểm điểm. Cuối cùng cô ấy khai liều: Lâu nay đi buôn ở Cần Thơ, lỡ có dan díu với một người ra cơ sự này!

Cha mẹ la chửi, chi bộ lên án đành cắn răng chịu đựng. Chi bộ quyết định kỷ luật: khai trừ, đuổi ra khỏi Đảng, đình chỉ công tác. Các anh có hiểu được một người đảng viên sống trong lòng địch mà bỗng mất hết đảng, mất hết cả gia đình, xóm giềng, lủi thủi một mình ôm cái bụng chửa, rồi sinh con, nuôi con một mình chống lại với tất cả... là thế nào không? Vợ tôi sinh được một đứa con gái, giọt máu của chúng tôi. Nhưng cha mẹ tôi không cho nó lấy họ tôi.

Vậy đó, kéo dài hơn 10 năm trời. Cho đến ngày giải phóng miền Nam. Và tôi trở về...

(Lời kể của anh hùng Hồ Đức Thắng, trích tác phẩm Có một con đường mòn trên biển Đông của nhà văn Nguyên Ngọc)

NGUYÊN VẸN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm