Những người trên các chuyến bay giải cứu từ Maylaysia về Việt Nam bị thu tiền trái quy định

(PLO)- Giá một tấm vé trên chuyến bay giải cứu không chỉ bao gồm giá vé máy bay, lệ phí cấp hộ chiếu mà còn bao gồm nhiều chi phí trái quy định khác...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nguy hiểm, cuối năm 2020, Chính phủ đã ban hành chính sách cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Quá trình thực hiện việc này, các cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành, địa phương như Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ… đã nhũng nhiễu, gây khó khăn, buộc doanh nghiệp (DN) phải chi tiền hối lộ mới tạo điều kiện cấp phép bay.

Ở nước ngoài, các Đại sứ quán Việt Nam ở Maylaysia, Nhật Bản, Angola, Liên bang Nga không kịp thời thực hiện chức trách bảo hộ công dân mà còn thỏa thuận, yêu cầu DN chia lợi nhuận theo từng chuyến bay.

Phát hiện sai phạm này, tháng 1-2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án chuyến bay giải cứu.

Tháng 3-2022, một công dân Việt Nam tại Maylaysia đã có đơn tố cáo cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia (ĐSQ) thu tiền trái quy định của những người là công dân Việt Nam đã chấp hành xong án phạt tù, đang trong các “trại chờ”.

Một chuyến bay trong mùa dịch COVID. Ảnh: VNA

Một chuyến bay trong mùa dịch COVID. Ảnh: VNA

Kết quả điều tra xác định tháng 5-2020, ông Trần Việt Thái được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Malaysia. Ông Thái là người chỉ đạo và chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam ở Malaysia về nước trong đại dịch COVID-19.

Từ tháng 5-2020 đến tháng 1-2022, ĐSQ đã tổ chức 21 chuyến bay trong đó tám chuyến bay “giải cứu”, đưa 1.891 người đã chấp hành xong án phạt ở 19 trại chờ tại Malaysia về nước, cách ly tại các cơ sở tập trung của quân đội.

Để tổ chức chuyến bay, ông Thái chỉ đạo cấp dưới gồm Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương đi thăm trại chờ, phát tiền, đồ ăn, trực tiếp phỏng vấn người mãn hạn tù, xác minh nhân thân, làm thủ tục cấp hộ chiếu, cho họ liên lạc điện thoại với người thân, gia đình, chủ lao động để nộp tiền làm thủ tục về nước…

Sau khi khảo sát, nhóm cấp dưới thống nhất và trình ông Thái quyết định thu của mỗi người về nước là 20,3 triệu đồng, đối với người không có hộ chiếu thu gần 25 triệu đồng trong đó thu lệ phí cấp hộ chiếu là 4,6 triệu đồng. Những người ở đảo xa cần mua vé máy bay về thủ đô thì thu 30 – 35 triệu đồng/người.

ĐSQ thông báo mức thu tiền nhưng không thông báo rõ số tiền trên được chi cho các khoản cụ thể nào.

Đến tháng 11-2021, sau khi tổ chức được bốn chuyến bay, do kết thúc nhiệm kỳ, Đặng Minh Phương về nước, nhóm còn lại tiếp tục phụ trách quản lý thu, chi bốn chuyến bay còn lại. Tổng số tiền đã thu được của người thân hoặc chủ lao động của những người mãn hạn tù là 44,6 tỉ đồng.

Các bị can khai nhận đã sử dụng khoảng 33 tỉ đồng chi phí tổ chức tám chuyến bay như tiền vé máy bay, nộp ngân sách lệ phí cấp hộ chiếu, phát tiền tại sân bay, bồi dưỡng cán bộ trại chờ của Maylaysia, xét nghiệm COVID cho người mãn hạn tù, chi phí mua đồ ăn, gọi điện thoại…

Đáng chú ý, theo quy định của Bộ Tài chính, lệ phí cấp hộ chiếu chỉ có 1,6 triệu đồng/cuốn. ĐSQ đã thu thành 4,6 triệu đồng với 1.177 người. Tổng số tiền chênh lệch là hơn 3,5 tỉ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí, số tiền còn lại 11,6 tỉ đồng, ông Thái chỉ đạo sử dụng hơn 1,1 tỉ đồng hỏa táng những người đã mất vì COVID-19 nhưng việc hỏa táng đã diễn ra trước khi thực hiện các chuyến bay giải cứu nên không được chấp nhận.

Còn 5,4 tỉ đồng được sử dụng để chi cho các bị can và các cán bộ, nhân viên ĐSQ. Trong đó, ông Thái được hưởng 580 triệu đồng, cấp dưới Nguyễn Lê Ngọc Anh và Nguyễn Hoàng Linh được hưởng 480 triệu đồng, Đặng Minh Phương được hưởng 220 triệu đồng.

Với hành vi này, nhóm cán bộ ĐSQ bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại 11,6 tỉ đồng.

Còn 5 tỉ đồng, ông Thái giao cho thủ quỹ quản lý tại ĐSQ. Hiện, thủ quỹ đã nộp lại toàn bộ số tiền trên cho Cơ quan điều tra để khắc phục quả.

Bị can Nguyễn Lê Ngọc Anh bị thu giữ 750 triệu đồng và xin nộp tiền khắc phục hậu quả trong số tiền bị thu giữ.

Các bị can khác đã nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính. Riêng bị can Trần Việt Thái tự ứng tiền nộp số tiền 5 tỉ đồng trong quỹ. Quá trình làm việc bị can Thái đề nghị được trả lại số tiền này.

Theo lời khai của các bị can, những cán bộ còn lại của ĐSQ ở Malaysia đều nhận được tiền bồi dưỡng, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý trong giai đoạn sau của vụ án.

Được biết, trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã đề nghị khởi tố 54 bị can về các tội đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm