1 người đưa hối lộ gần 23 tỉ trong vụ án chuyến bay giải cứu

(PLO)- Hoàng Anh Kiếm, lao động tự do đã hối lộ các cán bộ có thẩm quyền ở Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao với số tiền gần 23 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo kết luận điều tra vụ án chuyến bay giải cứu vừa được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ban hành, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay do công dân tự nguyện trả phí toàn bộ nhằm hỗ trợ đưa công dân về nước

Thực hiện chính sách này, một bộ phận cán bộ có thẩm quyền ở các Bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó DN tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin cho. Việc này dẫn đến DN phải nâng giá vé máy bay, phát sinh các chi phí ''bôi trơn'', đưa hối lộ.

CQĐT đề nghị truy tố 54 bị can theo các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong số 23 cá nhân bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ có Hoàng Anh Kiếm, ở Hà Nội là lao động tự do nhưng đưa hối lộ với số tiền rất lớn, gần 23 tỉ đồng.

Bị can từng có tiền án tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị tuyên phạt 3 năm án treo.

Hoàng Anh Kiếm đã thỏa thuận, thống nhất với Nguyễn Tiến Mạnh, Vũ Thùy Dương ở Công ty Lữ Hành Việt về việc liên hệ, đưa tiền cho các cá nhân có thẩm quyền để xin cấp phép chuyến bay combo hòng chia lợi nhuận.

Theo kết quả điều tra, Công ty Lữ Hành Việt hoạt động theo mô hình công ty gia đình, do bị can Nguyễn Tiến Mạnh là người huy động nguồn vốn để duy trì hoạt động. Bị can Vũ Thùy Dương đứng tên làm giám đốc, đại diện theo pháp luật.

Ban đầu, Nguyễn Tiến Mạnh gửi hồ sơ xin Chính phủ được thực hiện chuyến bay combo, nhưng không được chấp thuận. Đầu năm 2021, Nguyễn Tiến Mạnh, liên hệ đặt vấn đề nhờ Hoàng Anh Kiếm giúp. Hai bên thống nhất chia sẻ lợi nhuận sau khi thực hiện chuyến bay.

Mạnh đã chỉ đạo Vũ Thùy Dương chuyển cho Hoàng Anh Kiếm 1 tỉ đồng và 350 nghìn USD để chi cho các cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ trong đó có bị can Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng. Sau đó, công ty được cấp phép thực hiện 18 chuyến bay.

Khi thẩm quyền cấp phép chuyến bay được chuyển về cho Tổ công tác 5 Bộ, cuối tháng 3-2021, Mạnh và Dương tiếp tục đưa cho Hoàng Anh Kiếm 600 nghìn USD chi cho cán bộ Bộ Ngoại giao để xin được cấp phép tổ chức 11 chuyến bay.

Với hành vi này, Hoàng Anh Kiếm bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ, số tiền gần 23 tỉ đồng với vai trò đồng phạm của Mạnh và Dương.

Dù đã nhờ Hoàng Anh Kiếm, Nguyễn Tiến Mạnh và Vũ Thùy Dương vẫn phải chi tiền cho một số cá nhân có thẩm quyền ở cơ quan khác như bị can Vũ Anh Tuấn, cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh; bị can Phạm Trung Kiên, Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.

Ngoài ra, khi sử dụng pháp nhân Công ty Hoàng Long Luxury để xin giấy phép chuyến bay combo, Nguyễn Tiến Mạnh liên hệ và đưa tiền cho nhiều người như cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan...

CQĐT đề nghị truy tố Nguyễn Tiến Mạnh tội đưa hối lộ với số tiền hơn 27 tỉ đồng, đề nghị truy tố Vũ Thùy Dương cùng tội danh với số tiền 24,2 tỉ đồng.

Nhóm cá nhân nhận tiền như ông Linh, ông Dũng, bà Lan, ông Kiên… bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ.

Quá trình điều tra, Nguyễn Tiến Mạnh còn chủ động khai báo việc đưa tiền cho một số cá nhân khác. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý ở giai đoạn sau của vụ án.

Vụ án được khởi tố tháng 1-2022, liên quan đến nhiều cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài…

Cơ quan điều tra đánh giá hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm