Theo Kết luận điều tra vụ án chuyến bay giải cứu vừa được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ban hành, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay do công dân tự nguyện trả phí toàn bộ nhằm hỗ trợ đưa công dân về nước.
Thực hiện chính sách này, một bộ phận cán bộ có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó DN tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin cho. Việc này dẫn đến DN phải nâng giá vé máy bay, phát sinh các chi phí ''bôi trơn'', đưa hối lộ.
Kết quả điều tra xác định các cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, đề xuất thẳng lên lãnh đạo Chính phủ duyệt chủ trương cấp phép chuyến bay, bỏ qua quy trình giám sát, đề xuất của Tổ công tác 5 Bộ, qua đó nhận hối lộ của DN.
Một số cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài không kịp thời thực hiện trách nhiệm mà còn thỏa thuận, yêu cầu DN chia lợi nhuận theo từng chuyến bay hoặc chia tiền theo số công dân được về nước, thu tiền của công dân vượt so với quy định.
Tại Bộ GTVT, một số cá nhân vì vụ lợi, làm trung gian môi giới hối lộ hoặc nhận hối lộ để cấp phép bay tăng số lượng công dân về nước.
Tại Bộ Y tế, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, một số cá nhân lợi dụng vai trò, chức năng, nhiệm vụ được phân công đã cố ý tạo ra khó khăn, nhũng nhiễu để đòi hỏi, ép buộc các DN phải chi tiền mới chấp thuận giải quyết chuyến bay.
Một số lãnh đạo, cán bộ tại UBND TP Hà Nội, tỉnh Quảng Nam nhận tiền của đại diện các DN khi phê duyệt chủ trương cách ly đối với công dân về nước.
CQĐT đề nghị truy tố 54 bị can theo các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong đó, 21 cá nhân bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ. Bị can Phạm Trung Kiên, nguyên thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế là người nhận hối lộ với số tiền lớn nhất, 42,6 tỉ đồng.
Theo đó, Bộ Y tế có trách nhiệm tiếp nhận đề xuất cho ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý đối với kế hoạch bay mà Bộ Ngoại giao gửi sang.
Cục Y tế dự phòng được phân công tham mưu, đề xuất, dự thảo văn bản trả lời. Phạm Trung Kiên với vai trò thư ký tiếp nhận và trình Thứ trưởng phê duyệt ký văn bản trả lời.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Kiên đã tiếp xúc, yêu cầu, thỏa thuận với các đại diện DN, cá nhân có liên quan về chi phí. Mức chi phí từ 50 đến 200 triệu đồng đối với mỗi chuyến bay, chi phí từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng mỗi khách đối với chuyến bay combo, từ 7 đến 15 triệu đồng đối với 1 khách lẻ tùy từng thời điểm.
Phạm Trung Kiên còn cùng với Vũ Anh Tuấn yêu cầu, gợi ý chỉ dẫn DN để liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay, được trả lời kịp thời văn bản.
Cơ quan điều tra xác định Kiên đã nhận tiền từ 19 doanh nghiệp, cá nhân. Trong đó, bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky đã đưa cho Kiên 6 tỉ đồng để được cấp phép chuyến bay. Hoàng Diệu Mơ đã đưa cho Kiên hơn 5 tỉ đồng để cấp phép chuyến bay Công ty An Bình.
Một số bị can khác cũng nhận số tiền lớn như bị can Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận hối lộ tổng cộng 21,5 tỉ đồng và chỉ đạo cấp dưới đưa DN thân quen vào danh sách thực hiện chuyến bay.
Bị can Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhận hối lộ 25 tỉ đồng rồi hướng dẫn DN ''thân cận'' mượn nhiều pháp nhân để xin chuyến bay, chỉ đạo cấp dưới chọn những DN này vào kế hoạch bay.
Bị can Lý Tiến Hùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga nhận hối lộ với số tiền ít nhất, 437 triệu đồng. Ông Hùng lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận số tiền này từ bị can Đào Thị Chung Thúy, giúp bà này đưa các lưu học sinh và người thân từ Nga về Việt Nam.
Kết luận điều tra đánh giá hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng. Vụ án liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng cả trong, ngoài nước.