Những ông cụ tà dâm và án đời bia miệng

 1. Trong phiên tòa tại một vùng quê hôm đó, ở hai phía của phòng xét xử là hai hình ảnh đối nghịch nhau, như vị thế pháp lý của họ trong vụ án. Một bên là cô bé chưa tròn sáu tuổi, tung tăng chạy nhảy, tươi tắn cười đùa và chưa biết gì về những chuyện mà người khác cho là “động trời” đã qua. Một bên là ông già ở quá tuổi “thất thập”, tay chậm, chân run, mắt mờ, tóc bạc. Họ là người bị hại và bị cáo trong vụ án dâm ô trẻ em.

Phía người bị hại chỉ có đứa trẻ và người mẹ (làm đại diện) đến tòa. Khác với sự lẻ loi của gia đình người bị hại, phía bị cáo đến tòa rất đông, từ con ruột, con dâu đến con rể, cháu chắt, người đủ tuổi thì vào trong phiên xử, chưa đủ tuổi thì ngồi bên ngoài nghiêng ngóng nhìn vào bên trong.

Trước vành móng ngựa, ông già - bị cáo cúi mặt nhìn xuống chân mình khi trả lời câu hỏi của HĐXX. Thỉnh thoảng ông ngước lên để ngóng nghe những câu hỏi chưa rõ.

Vụ án phát sinh từ một lần ông đi đám giỗ trong xóm về nhà và mang về một đòn bánh tét. Đứa trẻ gần nhà  lân la qua nhà chơi và ông dùng nó để dụ bé thực hiện những hành vi mà pháp luật khép vào tội dâm ô.

Khi bị phát hiện, nhiều người trong xóm không tin nổi ông là người làm những chuyện như thế cho đến khi ông khai nhận.

Với vị trí luật sư, tôi quan sát ông khá kỹ từ dáng dấp đến ánh mắt và nhận thấy ông chưa bao giờ dám ngước mắt lên nhìn sang gia đình đứa bé hay HĐXX. Nét mặt cúi gằm của bị cáo làm cho tôi có cảm giác ông như muốn đổ sập xuống đất. Mỗi lần tòa yêu cầu đứng lên trả lời, con cháu của ông lại nhấp nhổm đứng dậy như muốn đỡ phụ cho cha, ông mình.

Trong giờ giải lao, con cháu ông người mang nước, người mang khăn đến xin lau cho ông dù ông cứ lặng im nhìn xuống khoảng đất dưới chân mình. Tôi có cảm giác đó là sự xấu hổ tột cùng của người ông, người cha ở tuổi cuối đời lại vướng vào tội lỗi mà xã hội khinh bỉ nhất. Mức án ba năm tù mà HĐXX tuyên phạt  dù có nặng nhưng vẫn không bằng cái án mà ông phải đeo mang trong suốt phần đời còn lại giữa làng xóm, láng giềng.

Ở tuổi này, đáng lẽ ông được an nhàn, được con cháu lo lắng, chăm sóc chứ không phải đứng tại đây trong tình cảnh thế này. May mà ông không phải chịu sự rũ bỏ từ những người thân của mình như những vụ án khác. Khi đó, người thân vì quá bất ngờ và khó chấp nhận nên bỏ mặc bị cáo tại tòa đối diện với pháp luật, với hành vi tội lỗi của mình.

2. Một vụ án khác ở Tiền Giang với tội danh tương tự nhưng lại khiến nhiều người, nhất là phụ huynh của các bé gái tuổi nhà trẻ, mầm non thêm lo lắng, hoang mang.

Vợ vốn là cô giáo mầm non xin nghỉ hưu sớm nên khi nghỉ dạy, hai vợ chồng luống tuổi mở lớp giữ trẻ tại nhà. Học trò là những đứa trẻ trong xóm hoặc những xóm lân cận, trong đó có cả con của những đồng nghiệp cũ vì tin tưởng nên gửi trông.

Mọi việc diễn ra bình thường cho đến khi gia đình một bé gái phát hiện bé bị tổn thương vùng kín rất nặng. Quá trình điều tra cho thấy chính ông chồng là người thực hiện hành vi dâm ô với đứa trẻ này.

Ngay khi biết tin, vợ ông xấu hổ đến nỗi phải bỏ nhà lánh đi một thời gian. Khi đã bình tâm, bà quay về xin lỗi gia đình người bị hại thay chồng và bồi thường phần nào tổn thất về sức khỏe, tinh thần cho đứa trẻ.

Những đứa con trai của ông bà đang ở tuổi dựng vợ, gả chồng, ngày cưới sắp đến cũng là ngày mà cha chúng bị bắt. Bà cứ thấp thỏm lo sui gia đổi ý vì “không biết người ta có dám gả con cho người có cha bị tội thế này không”. Ngày sắp cưới trong thấp thỏm, ngày cưới trong thiếu vắng và xấu hổ. Cái hạnh phúc bình dị nhất của bậc cha mẹ trong ngày dựng vợ gả chồng cho con giờ đây đã không còn. Cả nhà phải thấp thỏm cho bản án mà chồng, cha họ sắp phải đối diện.

3. Là luật sư, tôi có dịp tham gia nhiều vụ án mà bị can, bị cáo là trẻ chưa thành niên - những người còn non nớt, thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, tâm lý và nhân cách chưa ổn định, nhận thức pháp luật còn yếu kém. Những cụm từ trên được xem là căn nguyên để dẫn đến hành vi phạm tội của trẻ vị thành niên - điều các luật sư luôn sử dụng trong phần tranh luận, bào chữa để bảo vệ thân chủ của mình.

Tuy nhiên, với những bị cáo tóc đã bạc phơ thì “công thức” nói trên của luật sư không thể mang ra sử dụng. Bởi họ đã ở độ tuổi đủ chín để phân biệt đúng, sai, đã thừa vốn sống để răn mình nhưng lại làm những điều xằng bậy với những đứa trẻ đáng tuổi cháu chắt của mình.

Tội ác nào rồi cũng phải trả giá. Nhưng với những tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thì bên cạnh bản án của tòa (và cả bản án của tòa án lương tâm - nếu có), người phạm tội còn phải lãnh thêm cái án do người đời dành cho họ. Bản án này khó mà gột rửa trước bia miệng người đời.

LS ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ

 

Không nên giao trẻ cho người không thật thân cận

Tham gia xét xử nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em, tôi luôn thấy đau lòng và thật sự lo sợ trước vấn nạn này. Nếu để ý sẽ thấy tội phạm loại này dường như có xu hướng gia tăng.

Là chủ tọa trong HĐXX có ba thành viên (hai người còn lại là hội thẩm), tôi luôn phân tích, thuyết phục hai vị hội thẩm cùng đồng thuận khi quyết định mức án nặng dành cho bị cáo phạm những tội xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, mức án nặng cũng chưa chắc đã đủ sức răn đe để kéo giảm loại tội này. Vì vậy, tôi hay khuyên người thân, bạn bè của mình nên để tâm hơn nữa vào con cái. Nói ra thì hơi bi quan nhưng tôi khuyên họ không nên giao con mình (nhất là bé gái) cho những người không thật sự thân cận, ruột rà trông nom, quản lý - trừ khi đó là trường học.

Một nữ thẩm phán ở TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm